Tránh những cái chết oan

25/02/2019 04:52 GMT+7

Dư luận mấy ngày qua bàng hoàng về vụ một người cha đang chơi với con ở công viên tại TT.Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa, Long An) thì vô cớ bị đâm chết.

Bàng hoàng bởi án mạng xảy ra khởi nguồn chỉ từ nỗi hồ nghi vô căn cứ là “bắt cóc trẻ em”, để rồi những người không biết rõ sự tình đã hành xử thiếu kiềm chế, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Hầu hết bạn đọc bất bình, lên án kẻ gây ra án mạng, yêu cầu pháp luật nghiêm trị. Điều đó hoàn toàn phù hợp với cảm xúc của số đông và quy định pháp luật, luôn muốn trừng trị cái ác, cái xấu. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là làm sao để đừng có những án mạng tương tự xảy ra, khi thực tế vẫn đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới hậu quả xấu.
Ở vụ việc đau lòng nói trên, công an đang làm rõ động cơ gây án. Song, theo diễn biến mà báo chí đăng tải, rất có thể dụng ý ban đầu của những người can thiệp xuất phát từ ý thức cảnh giác với tội phạm. Tiếc rằng sau đó là những hành xử vượt quá giới hạn và cả sự kích thích của rượu bia dẫn đến hành vi phạm tội.
Cũng có ý kiến cho rằng, những người can thiệp trong vụ việc phần nào bị ám ảnh bởi tin đồn “bắt cóc trẻ em” nhan nhản trên mạng xã hội, trong những “câu chuyện làm quà”..., dẫn tới hình thành nỗi sợ hãi vô thức rằng một ngày nào đó chính con em mình cũng trở thành nạn nhân. Và nỗi sợ này đã chi phối hành động của họ.
Rõ ràng, việc nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng và người dân tham gia phòng chống tội phạm là cần thiết, với bất cứ xã hội nào. Nhưng tham gia đến đâu, ứng xử thế nào cho phù hợp pháp luật, không gây hậu quả, đòi hỏi ý thức thượng tôn pháp luật của cả người dân lẫn cơ quan công quyền. Phía người dân cần phải hiểu luật, nắm luật, biết quyền và nghĩa vụ của mình tới đâu để ứng xử phù hợp.
Trong vụ việc trên, người dân chỉ dừng lại ở mức đưa “nghi can” tới cơ quan công an làm rõ thì đã không có án mạng xảy ra. Ngược lại, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của lực lượng chức năng khi trụ sở công an thị trấn đối diện hiện trường, nhưng vụ việc diễn ra hàng chục phút trước khi dẫn đến án mạng mà không có sự can thiệp kịp thời. Dư luận có quyền đặt câu hỏi khi đó trực ban công an ở đâu? Không biết hay biết mà không can thiệp vì “chuyện thường ngày”...
Nhưng, điều đáng sợ hơn là thực tế có tình trạng biết, can thiệp song lại không làm quyết liệt, dẫn đến dân mất niềm tin vào chính quyền. Từ đó, họ “tự xử” vì cho rằng có báo chính quyền cũng “chẳng đi đến đâu”.
Đã có rất nhiều bài học thực tế, như người dân bắt được nghi phạm trộm chó thì nổi giận đánh đến chết thay vì đưa tới công an. Là bởi họ đã nhiều lần bị mất trộm, thậm chí bắt được nghi phạm giao công an thì vài ngày sau những kẻ này quay lại đe dọa, trả thù người vây bắt...
Để người dân sống và làm việc theo pháp luật, bên cạnh việc dân tự học còn cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục... Và cách tuyên truyền hiệu quả nhất, đó chính là từng cơ quan công quyền phải thể hiện được trách nhiệm công vụ, làm tốt chức trách của mình, đảm bảo mọi bức xúc của dân được giải quyết một cách công bằng, minh bạch thì chắc chắn dân khi đó sẽ tin vào luật pháp và hiệu lực của chính quyền, thay vì “tự xử” dẫn đến những án mạng oan uổng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.