Tránh thảm họa từ thói quen dùng điện ẩu: Nhiều nơi vẫn chủ quan

Ngày 17.12, trở lại hẻm 453 Lê Văn Sỹ, nơi xảy ra vụ cháy làm 6 người chết rạng sáng 16.12, chúng tôi nhận thấy những người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ông Vũ Quốc Sỹ (50 tuổi) có nhà liền vách nhà bị cháy, cho biết hằng ngày ông cũng không quan tâm lắm đến vấn đề sử dụng điện, nhưng khi chứng kiến cảnh tang thương trong vụ cháy, ông đã có suy nghĩ khác.
“Mạng lưới điện trong nhà là do tôi tự thiết kế, đường dây nổi, để tránh điện quá tải tôi gắn thêm nhiều cầu dao tự động ở một vài vị trí như tủ lạnh, máy giặt để khi có sự cố thì điện tự ngắt. Còn hôm xảy ra vụ cháy nhà hàng xóm, tôi chỉ kịp ngắt cầu dao tổng ở nhà rồi kêu vợ con chạy thôi. Từ bây giờ tôi sẽ kiểm tra điện thường xuyên, nhắc nhở mọi người trong nhà cái nào đáng sử dụng thì sử dụng, không thì thôi, chứ thấy cháy kiểu đó ám ảnh quá”, ông Sỹ chia sẻ.
Thế nhưng, không phải ai cũng thay đổi nhận thức về việc sử dụng điện an toàn. Ngày 16.12, trở lại khu chợ Gà (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM), nơi từng xảy ra vụ cháy kinh hoàng khiến nhiều gia đình phải ngủ ngoài đường, PV Thanh Niên nhận thấy các hộ buôn bán thường ở lại và cũng có những hộ buôn bán ngay trong nhà, đồ đạc để ngổn ngang.
Hộ anh Nguyễn Văn Hoa (38 tuổi), một trong những hộ từng bị cháy do chập điện năm 2015, nói rằng sau vụ cháy gia đình anh cả tháng trời phải ngủ ngoài đường. Bây giờ, căn nhà đã tu sửa lại, có gác lửng chừng 7 m², chiếc tủ lạnh, ti vi, thùng loa, quạt máy, hệ thống điện chớp sáng ở trang thờ, tất cả đều nối chung một nguồn điện ở phía sau cầu thang.
Thấy chúng tôi lo ngại về việc sử dụng điện chung một nguồn như thế dễ gây cháy nổ, anh Hoa nói: “Vẫn dùng như trước giờ, tôi không rành về điện. Giờ mà nghe tin cháy do chập điện là ám ảnh. Nhưng mình sinh ra lớn lên ở đây thì sống nơi đây, chứ biết chuyển đi đâu. Diện tích nhà chừng đó, đông người và sử dụng thiết bị, đồ đạc nhiều nên đành câu móc từ ổ điện chính ra, cũng nghĩ đến quá tải nhưng đôi lúc nhắm mắt nối dây mà dùng”.
Trong khi đó, tại các tiệm sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), các ổ cắm điện đều kín mít. Dây điện được chắp nối quấn băng keo sơ sài; thậm chí có dây điện mỏng, nhỏ xíu phải “gồng” mình tải 3 - 4 mối nối của các phích cắm cho máy bơm hơi, mắy bắn ốc... Đáng nói, ghi nhận ở một con hẻm Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn dây điện rất nhỏ bắc qua con hẻm chỉ dài chừng 6 - 7 m nhưng có đến hơn 10 bóng điện được chắp nối, treo lủng lẳng.

tin liên quan

Tránh thảm họa từ thói quen dùng điện ẩu
Theo đại tá Chón, nhiều vụ cháy có điểm chung là nơi xảy ra cháy nằm trong khu dân cư đông đúc; trong nhà chứa hàng hóa bít hết lối thoát nạn; không tuân thủ các quy định an toàn PCCC và sử dụng các thiết bị điện...
Tương tự, một số hộ dân ở đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), chỉ với một nguồn điện duy nhất từ trong nhà nhưng họ lại chắp nối, kéo 3 - 4 bóng điện khác ra phía trước. Nhiều chỗ ổ cắm được lắp đặt trên ván ép, dây điện nằm san sát quần áo và các vật dụng dễ bén lửa trong nhà. “Cô có biết gì về điện đâu. Mình làm nhà, thợ sửa điện lắp điện này nọ, khi cần dùng thì mình chắp vô kéo thêm vài bóng nữa. Với lại, hồi xưa dùng cầu dao kéo lên xuống còn sợ chứ giờ mình có cầu dao tự động (aptomat) rồi nên có chập điện thì nó tự tắt, còn cháy lớn quá thì... chạy thôi”, bà Phượng (ngụ Q.Bình Thạnh) nói.
Tại đầu một con hẻm trên đường Yersin (Q.1), cửa hàng của chị Vân (36 tuổi) chừng 6 m² treo chằng chịt hàng mã, lối vào chỉ vừa đủ một người đi. Chị Vân cho biết cửa hàng của mình cũng từng bị cháy. “Hễ hô cháy là chạy đến cúp cầu dao, mà bây giờ tôi xài cầu dao tự động nên có sự cố là tự ngắt điện, cũng không lo mấy. Cháy thì mọi người hô lên rồi chung tay dập lửa thôi”, chị Vân nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMPC), cho biết thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, ngay trong tháng 12.2016, HCMPC lần đầu tiên tiến hành khảo sát miễn phí thực trạng sử dụng điện, mạng điện trong 170 nhà dân ở P.9 (Q.3) để đánh giá về mức độ an toàn, đưa ra khuyến cáo, giải pháp cụ thể khắc phục rủi ro, tránh nguy cơ xảy ra sự cố về điện cho các hộ dân.
“Sau khi thực hiện thí điểm, việc khảo sát, đánh giá và đưa ra khuyến cáo cụ thể cho từng hộ dân sẽ được nhân rộng ra các quận, huyện khác trong năm 2017 và những năm tiếp theo”, ông Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.