Tránh thảm họa từ thói quen dùng điện ẩu

18/12/2016 09:00 GMT+7

Theo đại tá Chón, nhiều vụ cháy có điểm chung là nơi xảy ra cháy nằm trong khu dân cư đông đúc; trong nhà chứa hàng hóa bít hết lối thoát nạn; không tuân thủ các quy định an toàn PCCC và sử dụng các thiết bị điện...

Đại tá Đoàn Văn Chón, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho rằng vụ cháy nhà 453/6 Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) rạng sáng 16.12 làm 6 người chết, nhiều người bị thương, tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn PCCC trong các khu dân cư, cũng như ý thức chấp hành PCCC của người dân.
Trong năm 2016, đã có một số vụ cháy nhà dân làm nhiều người chết, như cháy tiệm dịch vụ cưới hỏi trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) làm hai vợ chồng cùng 1 người con thiệt mạng vào rạng sáng 4.10; cháy cửa hàng Tân Phú Gia đường Lũy Bán Bích (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) chuyên bán bếp gas rạng sáng 10.6 làm 4 người ngủ bên trong tử vong...
Theo đại tá Chón, những vụ cháy trên đều có điểm chung là nơi xảy ra cháy nằm trong khu dân cư đông đúc; địa điểm cháy là hộ dân vừa ở vừa kinh doanh; nhà dạng ống, trong nhà chứa hàng hóa bít hết lối thoát nạn; không tuân thủ các quy định an toàn về PCCC và sử dụng các thiết bị điện...
Cắm tất cả vào một... ổ
Trong các cuộc họp gần đây, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, luôn báo động về tình trạng mất an toàn trong sử dụng các thiết bị điện tại khu dân cư dẫn đến chạm, chập điện gây cháy. Theo ông Bửu, nguyên nhân các vụ cháy phần lớn liên quan đến điện.
Không ít người có thói quen trong sử dụng điện là chỉ quan tâm đến việc khi bật công tắc điện lên thì có điện hay không, chứ không quan tâm đến hệ thống điện và thiết bị điện sử dụng trong nhà có an toàn hay không
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMPC), cho biết thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho thấy phần lớn nguyên nhân các vụ cháy trên phạm vi cả nước là do sự cố hệ thống điện trong nhà, thiết bị điện gia đình và có chiều hướng gia tăng; trung bình giai đoạn 2011 - 2015 chiếm tới hơn 40% vụ cháy do điện, 6 tháng đầu năm 2016 chiếm tới hơn 57%.
“Không ít người có thói quen trong sử dụng điện là chỉ quan tâm đến việc khi bật công tắc lên thì có điện hay không, chứ không quan tâm đến hệ thống điện và thiết bị điện sử dụng trong nhà có an toàn hay không. Đây là thói quen không tốt, cần thay đổi vì mục đích an toàn cho chính mỗi gia đình. Ở TP.HCM đa phần là khu đô thị hiện hữu, nhà cửa xây dựng và tồn tại đã hàng chục năm. Số lượng thiết bị điện, đặc biệt là máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng... tăng lên ở rất nhiều nhà dân, nhưng điều đáng báo động là những nhà đó vẫn duy trì hệ thống dây điện cũ, công suất không đảm bảo dẫn đến quá tải, chập cháy”, ông Thanh nói.
Chuyên gia về thiết bị điện của một công ty kinh doanh điện máy ở TP.HCM cho rằng thói quen sử dụng thiết bị điện của đa số người dân mắc nhiều sai lầm chết người, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao trong các hộ gia đình. Phổ biến nhất là sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn như lò vi sóng, ấm điện, nồi cơm điện, máy sấy tóc, quạt, bàn là (bàn ủi), bếp điện... trên cùng một ổ cắm; để quên bàn là, máy sấy tóc... trên chăn, đệm, quần áo và vật dễ cháy khi chưa rút phích cắm; để quần áo tiếp xúc với bộ phận thổi hơi nóng của thiết bị sấy; dùng giấy, nhựa, vải để làm chụp, chao đèn cho bóng đèn sợi đốt; đun nấu bằng bếp, ấm điện để cạn nước, nóng chảy gây cháy; các mối nối dây điện không so le, không quấn băng keo cách điện cẩn thận...
Mỗi tầng nên lắp thiết bị tự động ngắt
Ông Mai Hiếu Thảo, Trưởng ban An toàn và bảo hộ lao động (EVNHCMPC), khuyến cáo các hộ gia đình sử dụng điện an toàn phải đặc biệt chú ý đến việc thiết kế, lắp đặt hệ thống điện trong nhà, tốt nhất nên thuê tư vấn, chuyên viên kỹ thuật thực hiện; đặt thiết bị bảo vệ (CB hoặc cầu dao điện) phù hợp cho đường dây chính, từng gian phòng và thiết bị điện có công suất lớn; dùng thiết bị chống dòng rò ELCB phù hợp cho mạng điện trong nhà, đặc biệt nên lắp đặt ELCB riêng cho các thiết bị đấu nối thường xuyên vào mạng điện như máy nước nóng.
Cũng theo khuyến cáo của ông Thảo, rất nhiều yêu cầu bắt buộc khác mà người sử dụng điện phải tuân thủ, như sử dụng dây dẫn điện có bọc cách điện chất lượng tốt, có tiết diện phù hợp với dòng điện của các thiết bị sử dụng điện, phải sửa chữa hoặc thay mới khi phát hiện hư hỏng (thay dây mới khi phát hiện đường dây đã cũ, vỏ cách điện bị biến màu hoặc bong tróc); sử dụng cáp điện, thiết bị điện ở những bảng quảng cáo ngoài trời phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn, lắp đặt đúng kỹ thuật và phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa...
Tương tự, để ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do sử dụng điện trong các hộ gia đình, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã đưa ra những biện pháp về an toàn phòng cháy trong sử dụng điện. Trong đó, đáng lưu ý là phải lắp thiết bị tự động ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm; không lắp đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, phòng tắm vì dễ gây chạm điện do độ ẩm cao; không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy...) gần các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện như đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện... Ngoài ra, Cảnh sát PCCC lưu ý trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện; khi sửa chữa điện trong nhà phải ngắt cầu dao điện...
Cách nào thoát hiểm trong đám cháy ?
Theo Phòng Cứu nạn - cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM, khi xảy ra hỏa hoạn, nếu không có kỹ năng thoát nạn trong giai đoạn đầu, để thời gian kéo dài thì cơ hội sống sót càng thấp. Vì vậy, điều quan trọng khi gặp cháy là cần bình tĩnh để có cách ứng phó, xử lý thích hợp. Thực tế cho thấy, đa phần các vụ tử vong trong nhiều đám cháy là do ngạt khói độc. Vì vậy, phải di tản nhanh chóng ra khỏi khu vực đám khói càng nhanh càng tốt khi có cháy, nổ xảy ra. Đối với nhà cao tầng, khi có báo cháy, mọi người nhanh chóng cúi thấp người, dùng khăn ướt bịt miệng, mũi để tránh hít phải khí độc quá nhiều và nhanh chóng thoát xuống đất bằng cầu thang bộ. Trong trường hợp không thoát được bằng cầu thang bộ, nên chạy ra ban công báo hiệu để lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp tới đưa xuống đất. Trong lúc thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.
Đối với nhà dân, khi xảy ra cháy, nếu căn nhà chỉ có một cửa ra vào thì mọi người dùng chăn màn thấm ướt, quấn chặt vào người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể. Trong trường hợp không thoát ra ngoài bằng cửa chính thì chạy ngược lên ban công lầu 1, hoặc mái nhà và tìm cách thoát qua nhà hàng xóm.
Ngoài ra, cửa cuốn điện (tự động) cũng là yếu tố nguy hiểm cần phải lưu ý - vì khi cháy xảy ra, lúc này mất điện, cửa cuốn không mở được, phải quay tay rất lâu. Một lưu ý khác là khi ở trong nhà, khóa cửa cần để chìa khóa một chỗ quen thuộc, mọi người trong nhà ai cũng biết, tránh trường hợp khi có sự cố, hỏa hoạn mà chạy tìm chìa khóa. Nên sử dụng những loại khóa khi mở chỉ cần thao tác đơn giản. Thực tế, đã có nhiều trường hợp hỏa hoạn vào ban đêm, phát hiện kịp nhưng do thao tác mở khóa khó khăn nên bị ngạt khói, không thoát ra được...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.