Tranh thủ cầm chừng

22/05/2015 09:18 GMT+7

Hội nghị cấp cao của EU với 6 nước tham gia khuôn khổ Quan hệ đối tác với phương Đông - là Ukraine, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Belarus và Moldova - phản ánh tình thế khó xử hiện tại của EU trong quan hệ với các nước này.

Hội nghị cấp cao của EU với 6 nước tham gia khuôn khổ Quan hệ đối tác với phương Đông - là Ukraine, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Belarus và Moldova - phản ánh tình thế khó xử hiện tại của EU trong quan hệ với các nước này.
Tổng thống Latvian, ông Andris Berzins (phải) tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel
đến dự Hội nghị Quan hệ đối tác với phương Đông tại Riga, Latvian - Ảnh: Reuters
Khuôn khổ quan hệ nói trên được EU lập nên để tranh thủ và tập hợp những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây chưa tham gia EU và NATO. Đó là cách thức của EU vừa muốn tách các nước này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga lại vừa chưa sẵn sàng thu nạp họ vào hàng ngũ của mình.
Nhân tố Nga luôn đóng vai trò rất quan trọng trong dự án của EU trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine làm thay đổi hoàn toàn quan hệ giữa EU và Nga. EU vừa muốn thúc đẩy khuôn khổ trên nhưng lại vừa không muốn Nga cảm thấy bị khiêu khích. Mặt khác, cũng chính vì tác động của vấn đề Ukraine mà EU lại càng có nhu cầu níu kéo giữ chân cả 6 đối tác kia.
Cho nên, ở hội nghị cấp cao này, EU tỏ ra vẫn tranh thủ các đối tác nhưng đồng thời xác lập mức độ cầm chừng rõ ràng. Chủ ý của EU chắc chắn khiến Ukraine và Georgia thất vọng. Đây là những đối tác mà EU phải cầm chừng nhiều nhất bởi họ dùng mối bất hòa, thậm chí cả thù địch của họ với Nga làm chủ bài chính trong quan hệ với EU.
Nó chẳng khác gì một cái bẫy mà EU phải hết sức tránh. Trong khi đó, EU lại phải tranh thủ 4 đối tác còn lại. Họ đều đã hoặc đang xem xét tham gia những dự án hợp tác, liên kết khu vực và liên châu lục do Nga chủ xướng. EU tranh thủ một phe và cầm chừng một phía như thế nên chỉ duy trì chứ chưa thể thúc đẩy khuôn khổ quan hệ này phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.