Vấn đề lựa chọn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - những người giữ vai trò trung tâm của QH, cũng được nhiều ĐB đặt ra khi nhìn lại cả nhiệm kỳ QH khóa 14. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, lựa chọn, quản lý, đánh giá ĐBQH là những vấn đề quan trọng cần quan tâm để nâng cao chất lượng thực chất của hoạt động QH.
Ông Thắng nêu thực trạng lâu nay việc lựa chọn ĐBQH về cơ bản trên cơ sở phân bổ cơ cấu, số lượng theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ”. “Cách làm này dẫn đến thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất gấp gáp, cùng với nhiều yếu tố khác nên nhiều ĐBQH được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cá biệt còn lọt vào QH những người có vi phạm, không đủ tư cách làm ĐB, buộc phải xử lý sau đó”, ông Thắng nêu. Từ đó, ĐB Thắng đề nghị cần xây dựng sớm phương án nhân sự ĐBQH nhiệm kỳ khóa sau ngay từ đầu nhiệm kỳ của khóa trước; không để cuối nhiệm kỳ mới xây dựng phương án nhân sự.
Liên quan tới chất lượng ĐBQH, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề cập vấn đề “một số ĐB chuyên trách được biệt phái từ một số cơ quan của Chính phủ, đã tác động đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH”. Theo ĐB Hùng, việc đề bạt, cân nhắc (của một số ĐB “không ăn cơm QH” nói trên) vẫn do cơ quan Chính phủ quyết định, làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho QH? Do đó, ĐB đề nghị những người được chuyển về làm ĐBQH chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách ĐB được áp dụng như mọi ĐBQH chuyên trách khác, để phòng ngừa tình trạng “làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung”.
Bình luận (0)