Trào lưu 'câu like' đến mất trí: Lời càng cay độc càng nhiều người ‘follow'

28/10/2016 10:29 GMT+7

'Cảm giác khi bị đám đông xúm vô chửi rủa nó kinh khủng lắm. Đọc càng nhiều bình luận chửi bới trên mạng, em càng muốn làm cái gì đó điên rồ hơn', một cô gái từng trở thành đối tượng bị dè bĩu của dân mạng, nói.

Gõ cụm từ “câu like” vào công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 giây, bạn sẽ có hơn 23 triệu kết quả. Ngoài việc bịa chuyện để ‘câu’ lượt follow (theo dõi) trên Facebook, bạn trẻ còn nghĩ ra đủ trò khác để câu like, như “nói là làm”, "tắm tiền" hay nhận vơ những món đồ sang chảnh của người khác là của mình.

Khi bày trò câu like, người trẻ thật sự đang nghĩ gì? Họ có thực sự cảm thấy hạnh phúc khi nhận được số like mình mong muốn trên mạng xã hội? Mời bạn đọc theo dõi loạt bài #CÂU LIKE trên Thanh Niên.


"Cảm giác bị đám đông xúm vô chửi rủa nó kinh khủng lắm!"

Nguyễn Tiến, người nổi như cồn với chiêu trò câu like “nói là làm!”, chia sẻ với chúng tôi: “Thật ra không ai là xấu cả!”. Tiến có cái lý của mình khi nói như vậy. Theo chuẩn mực chung của xã hội, thực ra Tiến không phải là người xấu. Các bạn trẻ đang có những hành vi lệch lạc đang sống trái với những quy chuẩn của cộng đồng vì một lý do nào đó và cần sự định hướng từ gia đình, những người xung quanh.

Nhiều người trách các bạn trẻ câu like một cách bất chấp nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của những người bấm like, bình luận phản cảm trên mạng xã hội.

“Nếu thật sự họ muốn góp ý để em tốt lên, họ nên nói sao có lý có tình để em hiểu và thay đổi. Hầu hết mọi người đều hùa theo số đông để chửi rủa mà đâu biết cảm giác của người nghe thế nào. Thậm chí, có người còn lợi dụng việc chửi giỏi, chửi hay trên Facebook để nổi tiếng, bất luận việc làm đó là đúng hay sai. Lời lẽ buông ra càng cay độc, càng đanh đá thì càng có nhiều người ‘follow’ (theo dõi)”, V.T.N.N, một cô gái từng bị "ném đá" hội đồng trên mạng, tâm sự.
Càng nhận được nhiều bình luận chửi bới trên mạng, bạn trẻ càng có xu hướng nổi loạn hơn Ảnh minh họa Shutterstock

N.T.H., người từng nhận nhiều lời lẽ nặng nề của dân mạng vì sai lầm của bản thân, nói với Thanh Niên: “Cảm giác khi bị đám đông xúm vô chửi rủa nó kinh khủng lắm. Càng đọc càng nhiều bình luận chửi bới trên mạng, em càng muốn làm cái gì đó điên rồ hơn”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) phân tích: “Đặc điểm tâm lý của thanh thiếu niên là xu hướng vượt rào, thoát khỏi những chuẩn mực hay những áp đặt của người lớn, xã hội. Phần lớn các bạn trẻ ý thức được việc mình làm là đúng hay sai nhưng vẫn cứ thích làm theo hướng ngược mong muốn của người khác để thể hiện cái tôi cá nhân. Vậy nên, trong những trường hợp này chúng ta càng gay gắt, càng áp đặt, càng chửi rủa thì các bạn càng muốn chứng tỏ việc mình làm là đúng”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Duy cũng khẳng định: “Ném đá một ai đó là việc làm thiếu đạo đức. Bạn cầm bùn ném vào người khác, tay bạn bị dơ trước. Nếu chúng ta không bình luận trên tinh thần xây dựng mà chỉ chăm chăm vào chỉ trích người khác thì nó càng làm xấu đi hình ảnh của người góp ý”.

Giải mã hành vi lệch chuẩn

Những chuyên gia nghiên cứu Xã hội học không cảm thấy bất ngờ trước xu hướng nổi loạn của bạn trẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây. Các nước phát triển cũng từng có giai đoạn khủng hoảng tương tự. Khi đó, trước sự xáo trộn mạnh mẽ của xã hội thanh niên vướng vào cần sa, nghiện rượu hay có tư tưởng chống lại các chuẩn mực vốn có của xã hội... Tuy nhiên, các nước phát triển đã biết cách “khống chế” mặt trái này bằng cách tối ưu hóa vai trò của gia đình, giáo dục và quản trị nhà nước.

Thạc sĩ Xã hội học Trần Nam chia sẻ quan điểm: “Người trẻ là thành phần rất quan trọng trong cơ cấu dân số. Họ thường là những người thể hiện hiện tình hình và xu hướng phát triển xã hội. Nhìn vào người trẻ, ta có thể đoán định được phần lớn tương lai của một quốc gia.

Ở Việt Nam, việc phát triển kinh tế nhanh và coi như hàng đầu là đúng, vì kinh tế là định chế quan trọng bậc nhất để kéo một xã hội đi lên nhưng với một điều kiện, ngay sau kinh tế thì phát triển xã hội là ưu tiên số 2 và nhà nước phải có những giải pháp cụ thể, khả thi thực sự để phát triển xã hội. Chúng ta thấy, việc quan tâm phát triển giáo dục, văn hóa hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng và còn rất loay hoay, mà giáo dục là một minh chứng rõ nhất. 

Bạn trẻ nước ngoài từng có tư tưởng chống lại các chuẩn mực xã hội như giới trẻ Việt Ảnh minh họa Shutterstock

Những biểu hiện của các bạn trẻ như Thanh Niên phản ánh là mặt trái của một giai đoạn chuyển tiếp trong phát triển xã hội Việt Nam đương đại. Nó là một dạng thức mà xã hội học gọi là ‘hành vi lệch chuẩn’. Vì chuẩn mực của một xã hội không khuyến khích điều đó. Một xã hội có quá nhiều ‘hành vi lệch chuẩn’ là một xã hội thiếu ổn định”.

Thạc sĩ Trần Nam cũng cho rằng ở Việt Nam, công tác tư vấn và phát triển cộng động còn mỏng và yếu là một trong số những nguyên nhân khiến bạn trẻ dễ cảm thấy bơ vơ, thiếu định hướng và hay đưa ra những hành động tiêu cực khi đối mặt với những tình huống khó khăn. 

Các nước phát triển đã “khống chế” những khủng hoảng của giới trẻ bằng cách tối ưu hóa vai trò của gia đình, giáo dục và quản trị nhà nước Ảnh minh họa Shutterstock

“Nước ta hiện nay thực sự thiếu vắng vai trò của nhân viên công tác xã hội, nhân viên tư vấn tâm lý trong cộng đồng dân cư, trong các trường học. Theo tôi, cần có giải pháp tốt hơn để hiệu quả hóa hoạt động của các nhân viên xã hội. Khi đó, nhiều bạn trẻ sẽ được tư vấn, chia sẻ, gia đình được san sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục, định hướng con cái”, Thạc sĩ Trần Nam nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.