|
Nhiều chấn thương do chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam, cho biết nguyên nhân trẻ em bị chấn thương khi tham gia thể thao là do tập luyện quá cường độ cho phép; bài tập có độ khó cao; thực hiện sai kỹ thuật, không có kiểm soát từ huấn luyện viên (HLV) khi thi đấu đối kháng hoặc hỗ trợ khi tập; dụng cụ, trang thiết bị tập luyện không phù hợp… Ngoài ra, còn các nguyên nhân chủ quan khác như: trẻ muốn tự khẳng định mình. Đặc biệt, có những trường hợp do trẻ bị mắc bệnh nhưng cha mẹ không phát hiện hoặc trẻ vừa bị bệnh chưa hồi phục sức khỏe đã tham gia luyện tập.
BS Phú nhấn mạnh: “Sự khuyến khích của HLV có thể tạo ra sự phấn khích và gắng sức tối đa ở những đứa trẻ. Nói chung, sự động viên trẻ khi tham gia thể thao là cần thiết nhưng cũng nên nhớ rằng, sự quá sức có thể làm cơ thể trẻ ở trạng thái không thể tự điều chỉnh, hồi phục được và sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện”.
Cần theo dõi sát sao
Bác sĩ Phú cho hay, ngoài những chấn thương xảy ra đột ngột, hầu hết các tình trạng chấn thương khi tập luyện thể thao đều có những dấu hiệu báo trước như: tình trạng đau mỏi cơ, khớp kéo dài, thậm chí đau mỏi cả khi nghỉ hoặc ngủ; không hoặc chậm phục hồi; hoa mắt, chóng mặt, sợ hãi, khó vận động do đau, khó thở hoặc đánh trống ngực dồn dập, đau tức ngực… BS Phú khuyên: “Ngay khi trẻ nói ra những lo ngại của bản thân hoặc chúng ta quan sát, phát hiện những dấu hiệu này, nhất thiết phải cho trẻ tạm ngừng các hoạt động tập luyện để kiểm tra xác định nguyên nhân chính xác”.
Đồng thời bác sĩ Phú cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên bố trí thời gian cân đối để đảm bảo việc nghỉ ngơi và học tập của trẻ. Chỉ nên cho trẻ tham gia tập luyện từ 2 tới 3 buổi/tuần. Bên cạnh đó, các bậc phục huynh nên quan sát và ghi nhận một số thay đổi dễ nhận thấy của trẻ như giờ thức - ngủ, thói quen ăn uống của trẻ để điều chỉnh kịp thời hoặc phát hiện các dấu hiệu của sự mệt mỏi. Bác sĩ Phú nói: “Nếu như việc tập luyện của trẻ đúng cách và phù hợp, chúng ta sẽ thấy trẻ tự tin hơn, mạnh mẽ tham gia tập luyện, ăn ngon miệng và ngủ sâu giấc. Ngược lại, nếu việc tập luyện không đúng các và có thể có chấn thương, sẽ thấy trẻ mệt mỏi khi thức, chậm tiếp thu, ngủ không đều và ăn uống luôn thay đổi khẩu vị mới phù hợp”.
Bác sĩ Phú nhấn mạnh, điều quan trọng khi cho trẻ tham gia thể thao cần đặc biệt chú ý nhắc trẻ uống nước đầy đủ, bổ sung sữa uống và các vitamin tự nhiên từ trái cây. Cha mẹ có thể theo dõi lượng nước tiểu và màu sắc nước tiểu của trẻ trong 2 đến 4 tiếng khi tập luyện kéo dài. Nếu màu sắc và số lượng nước tiểu bình thường thì không có vấn đề gì và có thể để trẻ tham gia các hoạt động tiếp theo.
Theo chuyên gia, những môn thể thao có thể cho trẻ tham gia tập luyện sớm gồm: bơi, thể dục nhịp điệu, bóng bàn, bóng đá hoặc một số môn võ như wushu, karatedo…Tuy nhiên, ở lứa tuổi này các tố chất thể lực của trẻ có nhiều biến đổi, nên nội dung tập luyện ngay trong một môn thể thao cũng cần có sự xem xét, điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn. |
Thúy Hằng
>> Trào lưu cho con đi học thể thao từ nhỏ
>> Rộn ràng học thể thao hè
Bình luận (0)