Cách đây không lâu, cộng đồng mạng ở Ấn Độ dậy sóng với 2 “siêu đám cưới” của các cặp đôi nổi tiếng tại nước này. Đó là lễ se duyên của hai ngôi sao Bollywood và Hollywood, cô dâu Ấn Độ Priyanka Chopra và chú rể người Mỹ Nick Jonas. Cùng lúc đó là đám cưới thuộc hàng “sang chảnh” nhất thế giới giữa Isha Ambani (con gái tỉ phú dầu mỏ Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á trong năm 2018 với khối tài sản 44,3 tỉ USD) và Anand Piramal (con trai ông trùm ngành dược phẩm Ajay Piramal với tài sản 4,6 tỉ USD). Theo tờ The Times of India, các siêu đám cưới này đều được tổ chức ở nơi sang trọng, đồ ăn được những đầu bếp hàng đầu thế giới chuẩn bị trong khi khách tham dự toàn những người nổi tiếng, quyền lực và giàu có.
tin liên quan
Đám cưới siêu xa hoa tốn 100 triệu USD của con gái tỉ phú Ấn ĐộTại Ấn Độ, việc tổ chức lễ cưới ra sao rất quan trọng vì đây là biểu tượng cho quyền lực và địa vị, CNN dẫn lời nhà xã hội học Ấn Độ Parul Bhandari cho hay. “Ở những xã hội như Ấn Độ, đám cưới không chỉ là sự kết nối giữa hai cá nhân mà còn là của 2 gia đình, dòng họ, thậm chí là 2 thôn làng hoặc các nhóm cộng đồng lớn hơn... Dốc cạn tài chính cho đám cưới có thể là nỗ lực đạt được vị thế và sự kính trọng cao hơn trong cộng đồng lớn hơn”, bà nói. Mặt khác, đám cưới ở Ấn Độ với nhiều nghi lễ phức tạp cũng kéo dài trung bình 2 ngày, có khi lên đến 10 ngày. Theo bà Priyanka Gupta, Giám đốc Công ty tổ chức hôn lễ My Shaadi Wale Wedding ở thành phố Bangalore, một gia đình trung lưu có thể chi 400 USD (gần 9,3 triệu đồng) cho mỗi khách mời trong 1 ngày. Với những siêu đám cưới, chi phí cho mỗi khách mời có thể lên đến 2.000 USD/ngày.
Các đám cưới xa xỉ đã làm dấy lên làn sóng phản ứng trái chiều trên mạng xã hội trong lẫn ngoài Ấn Độ. Trong khi nhiều người trầm trồ về sự sang trọng thì cũng có ý kiến chỉ trích chúng quá phô trương. “Đám cưới của hai gia tộc Ambani - Piramal đã đưa Ấn Độ lên bản đồ thế giới như là một nơi giàu sang phú quý. Sự kiện này dường như làm hồi sinh xu hướng tổ chức tiệc cưới kiểu hoàng gia vốn bị lãng quên từ lâu và khi làm như vậy có thể bị xem là không đúng chỗ hay thậm chí là quá khoe khoang”, nhà xã hội học Bhandari nói. Cũng theo bà Bhandari, sự phô trương của giới thượng lưu dễ tạo ra tiền lệ không tốt trong các tầng lớp xã hội khác, khiến họ tin rằng đã là người Ấn Độ thì phải tổ chức lễ cưới xa hoa và đó là cách giúp họ khẳng định địa vị ưu tú giống như giới thượng lưu.
Bình luận (0)