Trào lưu tên bài hát 'kỳ cục'

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
01/10/2022 07:31 GMT+7

Gần đây, nhiều ca khúc mới của nhạc Việt khi ra mắt bị công chúng phản ứng vì cách đặt tên “lạ đời”, thiếu tính thẩm mỹ hoặc dài dòng một cách vô nghĩa khiến mất đi vẻ đẹp cần có của tên ca khúc.

Nhạc Việt đang có nhiều tựa bài hát rất ngô nghê và buồn cười, thiếu súc tích và tính nghệ thuật như Em sẽ báo công an (nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, Hoàng Duyên hát), Đứa nào làm em buồn (sáng tác bởi nhạc sĩ Tiên Cookie - Phạm Thanh Hà, Phúc Du - rapper của King of Rap thể hiện), Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn (Trịnh Thăng Bình kết hợp Liz Kim Cương), Cắm sừng ai đừng cắm sừng em (Rin9 - Phí Phương Anh), Em sai rồi anh xin lỗi em đi (Trang Pháp - Chi Pu), Em bỏ hút thuốc chưa (Tiên Cookie - Bích Phương), Mẩy thật mẩy (Big Daddy, Emily)… Đáng nói, những bài vừa nêu qua đều là của nhạc sĩ tên tuổi sáng tác và ca sĩ nổi tiếng chọn hát chứ không phải của ca sĩ vô danh; và có nhiều ca khúc “oan uổng” khi nội dung không có gì để phàn nàn, nhưng cách đặt tiêu đề lại phá hỏng tất cả. Nếu kể thêm cả những bài hát của ca sĩ mới thì nhiều vô thiên lủng như: Yêu đừng có nhây (Hana Cẩm Tiên), Sinh ra đã là thứ đối lập nhau (Emcee L, Badbies), Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé (Phan Ngân, Hải Sâm)… Hiện “xu hướng đặt tên” này lại đang nở rộ, nhiều ca sĩ đua theo, và bài hát lại hot vì tựa “nghe lạ”, như những bài từng nổi tiếng thời trước đó có tựa đề bị chỉ trích rất nhiều: Nắng cực, Như cái lò, Như lời đồn, Oh My Chuối…

Hình ảnh tên bài hát Em sẽ báo công an và Đứa nào làm em buồn

T.L

Có thể thấy, những tựa đề bài hát không có mối liên hệ nào với lời ca khúc, thậm chí chúng khá sáo rỗng, vô nghĩa đã phản ánh suy nghĩ lười biếng, dễ dãi, thiếu vốn từ lẫn kiến thức mỹ học, thích đặt tên có chủ đích gây chú ý một cách phản cảm của các nhạc sĩ. Dù đã rất nhiều lần công chúng lẫn giới nhạc sĩ có chuyên môn lên tiếng vì những bài hát có tiêu đề “kỳ cục” kiểu như thế, nhưng những người sáng tác trẻ vẫn bất chấp, đặt yếu tố câu view lên trên sự đẹp đẽ, ý nghĩa trong tiêu đề một bài hát.

Hay cả trào lưu các ca sĩ thi nhau đặt hashtag viết tắt tên ca khúc trên mạng xã hội để quảng bá, tăng lượt xem, kiểu bắt đầu bằng dấu # rồi viết tắt kích thích sự tò mò của khán giả, với những tựa bài hát như: #DML (cho ca khúc Duyên mình lỡ - Hương Tràm), #DCM (cho MV Đừng có mơ - ca sĩ Erik)... Ca sĩ Hoàng Dũng mới đây thừa nhận anh ngại ngùng khi chia sẻ hashtag cho bài Đoạn kết mới vì nó có thể biến thành từ nhạy cảm, nên đã thay đổi hashtag #ĐKM bằng cách viết đầy đủ tiêu đề bài hát trên trang Facebook của mình. Cũng cần thấy rõ những ca khúc có tựa phản cảm, hay hashtag gây liên tưởng dung tục bị phản ứng mạnh thời gian qua đã thể hiện thái độ tích cực của cộng đồng, công chúng đối với sản phẩm nhảm nhí, không phù hợp chuẩn mực!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Phải lên tiếng thật mạnh vấn đề này một lần nữa, chứ không thì dễ trở thành trào lưu, ai ai cũng tưởng như vậy là hay, là ăn khách, để rồi ra lò hàng loạt bài hát đặt tựa nhảm nhí như vậy thì hỏng. Nghệ thuật cần sự mới mẻ, hợp thời, nhưng là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng biện minh rằng do mọi người nhạy cảm, suy diễn chứ tôi chẳng ý gì. Với tôi, một bài hát là phải đẹp - đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, và đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ”. Còn nhạc sĩ Dương Cầm cho biết: “Dù là nhạc giải trí thì sự sáng tạo, phá cách nên trong phạm vi cho phép và phải đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu, đừng tối nghĩa trong tựa đề bài hát”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.