Trẻ chậm nói, khó khăn giao tiếp: Những trường học hòa nhập

16/05/2023 08:33 GMT+7

Nhiều trường mầm non tại TP.HCM hiện có mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em.

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, chuyên gia tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tùy vào tình trạng và mức độ rối loạn phát triển của trẻ, nhà chuyên môn sẽ có giáo trình can thiệp phù hợp cho trẻ. Trẻ có thể tới các lớp chuyên biệt, trung tâm can thiệp hoặc học các chương trình giáo dục hòa nhập, học cùng giáo viên cá nhân tại nhà…

Tại Trường mầm non 6, đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM, trẻ em được can thiệp sẽ có những kế hoạch giáo dục riêng của từng bé.

Những trường học hòa nhập  - Ảnh 1.

Một trẻ nói ngọng được cô giáo hỗ trợ

MINH PHỤNG

Cô Phan Thị An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết không chỉ dạy 1 kèm 1 với từng bé trong 1 tiếng mỗi ngày, các giáo viên cũng thường xuyên đến các lớp, quan sát, dạy thêm cho trẻ các kỹ năng nói, vận động, quan sát… ở lớp cùng với các bạn.

Là mô hình trường mầm non giáo dục hòa nhập, Trường mầm non Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) phối hợp cùng một trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập để can thiệp giáo dục các bé bị rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, rối loạn phát triển trí tuệ…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Đan, chủ trường, cho biết cùng với 1 tiếng mỗi ngày được học cùng giáo viên chuyên biệt, các trẻ này tham gia các hoạt động tại lớp như nhiều bạn đồng trang lứa khác. "Các giáo viên tại lớp cũng dành thêm thời gian dạy nói, chơi trò chơi, dạy vận động cùng các con. Tôi luôn nói với các giáo viên dù công việc mỗi ngày của các cô vất vả hơn, nhưng hãy nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ để mỗi người cùng cố gắng thêm một chút", thạc sĩ Cẩm Đan chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.