Trẻ lớp 1 bị người lạ chở đi sau giờ học: Để con đến trường an toàn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/09/2022 06:03 GMT+7

Trẻ lớp 1 vào năm học mới còn nhiều điều bỡ ngỡ. Mới đây ở Thái Bình có một trẻ lớp 1 tan trường bị người phụ nữ lạ chở đi bằng xe đạp, khiến công an phải vào cuộc. Vậy làm sao để trẻ đến trường an toàn?

Đâu là kinh nghiệm của các nhà trường và phụ huynh để trẻ đến trường an toàn? Chúng tôi ghi nhận những câu chuyện trong thực tế.

Trẻ lớp 1 được đeo thẻ với các màu khác nhau

Trẻ lớp 1 mới vào năm học còn nhiều bỡ ngỡ, thầy cô cũng chưa quen mặt, nhớ tên hết học sinh (HS). Để quản lý trẻ tốt nhất, nhiều trường học dùng giải pháp cho trẻ đeo thẻ với tên, tuổi, lớp, mỗi lớp 1 sẽ có màu khác nhau, lớp màu vàng, lớp màu đỏ. Đây là giải pháp của Trường tiểu học Hồng Đức, P.14, Q.8 và Trường tiểu học Lý Nhân Tông, P.9, Q.8, TP.HCM.

Cô Phùng Lê Diệu Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Đức, cho biết khi tan học thì lần lượt từng lớp ra về để các thầy cô và nhân viên bảo vệ quan sát và người thân đón HS tốt nhất. HS nào mà ba mẹ xin phép đón trễ sẽ được cô giáo nhắc nhở ngồi phía trong trường đợi. Cô giáo chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội, bảo vệ cùng đứng trước cổng quan sát cho tới khi HS về hết.

Học sinh lớp 1 đeo các tấm thẻ có màu, được phụ huynh đón về chiều 8.9

Thúy Hằng

Chiều 8.9, chúng tôi có mặt ở cổng Trường tiểu học Lý Nhân Tông, chưa đến giờ tan học nhưng có một phụ huynh đến đón con sớm hơn. Chị phải xuất trình một tờ giấy báo ốm, xin phép cho con tan học sớm, có chữ ký của cô giáo chủ nhiệm và xác nhận của cô giáo đây là mẹ của HS thì mới được đón con.

Nhân viên bảo vệ trường tiểu học này cũng cho hay: “16 giờ 15 bắt đầu tan học, lớp 5 sẽ về trước tiên, còn HS lớp 1 sẽ về sau cùng, lúc 16 giờ 45. HS lớp 1 đeo thẻ các màu sẽ xếp hàng ngay ngắn, phụ huynh lần lượt vào cổng trường gọi tên HS, thầy cô đọc loa thông báo, đến em nào em ấy sẽ ra về. Ngoài cổng trường cũng có lực lượng dân quân tự vệ của phường, các nhân viên bảo vệ quan sát, điều tiết giao thông, nhờ vậy việc tan trường của HS lớp 1 an toàn”.

Tuy nhiên, hiệu trưởng trường tiểu học có 10 năm kinh nghiệm ở H.Bình Chánh, TP.HCM cho biết không thể nào phó mặc hết việc an toàn cổng trường cho nhà trường. Phụ huynh cũng cần nhắc nhở, căn dặn con mỗi ngày đi học ra sao, chỉ được theo ba hoặc mẹ khi đến đón, không đi theo người lạ, dù có dụ dỗ bánh kẹo, nước ngọt cũng không được đi theo... Như vậy, gia đình và nhà trường cùng phối hợp mới mang lại an toàn thật sự cho các em.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lý Nhân Tông xếp hàng ngay ngắn trong sân trường

Thúy Hằng

Kinh nghiệm của những người mẹ

Chị Nguyễn Thùy Liên, đồng sáng lập Học viện Self Hiil và dự án phi lợi nhuận “Trường nhà hạnh phúc”, cũng là phụ huynh của 2 HS tiểu học, chia sẻ là một người mẹ, chị cũng từng trăn trở làm sao để con biết giữ an toàn cho mình nhưng cũng không bị mắc kẹt vào sự cảnh giác quá mức.

Chị Thùy Liên cho rằng điều các con cần không phải là những câu chuyện mang tính hù dọa mà là trang bị cho con tư duy dự đoán tình huống và khả năng giữ bình tĩnh để suy nghĩ ra nhiều cách bảo vệ bản thân hay tìm sự trợ giúp khi chẳng may rơi vào tình huống khó. Chị dành thời gian khai vấn cho con bằng cách kể những câu chuyện cho con nghe và cùng nhau thảo luận. Có lúc là câu chuyện có thật trên báo, có lúc là những tình huống mà chị nghĩ ra với các nhân vật mèo, thỏ trong những bối cảnh và cách phản ứng gần gũi với hoàn cảnh, lứa tuổi của con. Rồi chị hỏi lúc đó con cảm thấy thế nào, nghĩ gì về cách phản ứng của mỗi nhân vật, nếu là con thì sẽ làm gì.

Chị Nguyễn Thị Mai, chung cư Lý Văn Phức, Q.1, có con đang học lớp 1 Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM, cũng cho rằng việc giáo dục cho các con kỹ năng sống, kỹ năng đến trường an toàn, không đi theo người lạ là việc rất quan trọng. “Tôi dạy con những thông tin này từ khi cháu 1 tuổi, đến bây giờ cháu vào lớp 1, tôi cũng rất yên tâm về con. Nhà trường cũng cho HS lớp 1 ra ngoài rất bài bản, trật tự, nên phụ huynh không lo âu”, chị Mai nói.

Nhắc nhở con mỗi ngày

Năm học mới vừa mới bắt đầu, ngoài một số HS được đưa đón thì không ít em tự đi bộ, xe buýt, xe đạp… đến trường. Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian đưa đón con đi học hằng ngày, để con tự đi học cũng là một cách hay để con chủ động được giờ giấc tới trường.

Tuy nhiên, tình trạng giao thông ở VN vốn phức tạp, để các con tự chạy xe đi học nhiều phụ huynh không thể an tâm. Để HS đến trường được an toàn, theo tôi, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh, người thân phải căn dặn, nhắc nhở con em mình mỗi ngày trong việc tuân thủ chấp hành luật lệ giao thông. Đối với các em đi học bằng xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy, càng cần dạy con không phóng nhanh vượt ẩu; không dàn hàng 2, hàng 3; nên đi sát lề đường bên phải; chủ động tránh xa các xe ô tô lớn, nhất là các container. Người lớn cũng cần làm gương trong việc tham gia giao thông.

Nguyễn Huyền Nga(Khoa Sư phạm, Trường đại học Thủ Đô)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.