Học sinh lớp 1 tựu trường sớm 2 tuần trước khai giảng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/08/2022 08:00 GMT+7

Năm học tới, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lớp 1 tựu trường sớm hơn 2 tuần so với ngày khai giảng và sớm hơn 1 tuần so với các khối lớp khác. Điều này được đánh giá là rất cần thiết.

Những “tuần 0” cực kỳ cần thiết

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu với lớp 1 nhưng quy định của Bộ không cho phép tựu trường sớm hơn ngày khai giảng đối với tất cả các khối lớp. Mục đích của quy định này là nhằm trả lại ý nghĩa thực sự của ngày khai trường. Tuy nhiên, với học sinh (HS) lớp 1 thì điều này lại là một khó khăn. Nhiều giáo viên (GV) đã phản ánh do không có tuần làm quen (vẫn thường gọi là “tuần 0”), nên HS vào lớp 1 rất bỡ ngỡ do thiếu thời gian để làm quen, thích ứng với việc thay đổi rất lớn trong việc học tập từ mầm non lên lớp 1.

Học sinh lớp 1 năm nay sẽ có 2 tuần trước ngày khai giảng để làm quen với môi trường học tập mới

N.L

Khi kiểm tra tại các địa phương, ghi nhận đề nghị của các nhà trường về việc cần cho HS đầu cấp tựu trường sớm hơn để có thời gian làm quen với môi trường học tập hoàn toàn mới trước khi vào học chính thức, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hứa sẽ xem xét và có thể từ năm học tới sẽ cho HS lớp 1 tựu trường sớm hơn so với các khối lớp còn lại. Đây là những “tuần 0” ngoài 35 tuần thực học, giúp HS các lớp đầu cấp có 2 tuần làm quen lớp, quen trường, thầy cô giáo và bạn bè mới; giúp các em không bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường và cách thức học tập mới.

Vì vậy, năm học 2021 - 2022, Bộ cho phép HS lớp 1 được tựu trường sớm 1 tuần nhưng tháng 8.2021 dịch bệnh bùng phát nên nhiều nơi HS phải học trực tuyến. Năm học này, Bộ cho phép HS lớp 1 tựu trường sớm 2 tuần, thông tin này được phụ huynh và các trường quan tâm.

Chị M.A, có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết năm vừa qua cháu học mẫu giáo 5 tuổi, nhưng phần lớn thời gian phải ở nhà phòng dịch. Do vậy, chị M.A cho rằng việc cho trẻ lớp 1 đến trường sớm 2 tuần sẽ giúp các cháu bớt bỡ ngỡ khi vào học chính thức.

Còn bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Khê (Bắc Ninh), cho hay trong 1 - 2 tuần này, GV có trách nhiệm hướng dẫn các em kỹ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, cần thiết với trẻ vừa từ mẫu giáo vào lớp 1 như: tư thế ngồi học đúng cách; cách cầm bút; việc sử dụng đồ dùng học tập và rèn nền nếp học tập, sinh hoạt khi học 2 buổi/ngày.

Theo bà Thủy, ở trường mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ là chơi, nhưng vào lớp 1, các em sẽ thay đổi cơ bản môi trường, thói quen sinh hoạt, học tập. Nếu không có “tuần 0” để GV hướng dẫn, HS sẽ khó khăn về hòa nhập, thích nghi, tiếp nhận kiến thức.

Phản tác dụng nếu dạy trước chương trình

Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), khẳng định thực tế cho thấy việc triển khai “tuần 0” ở các trường tiểu học trước khi có quy định không tựu trường sớm cũng như dịch bệnh, đã mang lại hiệu quả lớn cho quá trình học tập kiến thức sau khai giảng.

Mục tiêu cơ bản của thời gian trước khai giảng là giúp HS vào lớp 1 làm quen với việc học, tạo kết nối nhẹ nhàng cho bước chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi ở trường mầm non sang hoạt động chủ đạo học tập ở trường tiểu học.

“Tuy nhiên, nếu các trường sử dụng 2 tuần này để dạy học trước chương trình, sách giáo khoa thì sẽ phản tác dụng, gây căng thẳng cho HS”, bà Phương Hoa nói và cho rằng tùy từng trường nên có cách thức tổ chức phù hợp, không nhất thiết trong cả 2 tuần ấy ngày nào HS cũng phải đến trường và ở trường cả ngày như bước vào năm học chính thức.

Cả nước khai giảng vào ngày 5.9

Theo Quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên Bộ GD-ĐT mới ban hành: “Thời gian tựu trường được quy định sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Cả nước sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 5.9.2022”.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới thì việc cho trẻ lớp 1 tựu trường sớm càng cần thiết hơn.

Bà Vũ Thanh Lam, GV dạy lớp 1 Trường tiểu học Bích Sơn (H.Việt Yên, Bắc Giang), cho hay việc tăng tiết tiếng Việt ở chương trình mới cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể về khả năng đọc, viết của HS lớp 1 chương trình hiện hành so với chương trình cũ. Cụ thể, ở chương trình cũ hết học kỳ 1 HS chưa học ghép vần, nhưng ở chương trình mới, nội dung này đã được đưa vào học kỳ 1 và được tiếp cận văn bản sớm hơn. Do vậy, khả năng đọc hiểu của HS sớm hơn. Nếu không có thời gian làm quen mà khai giảng HS mới đến trường vừa làm quen vừa học luôn, các em sẽ không tránh khỏi căng thẳng.

Một số GV ở miền núi còn chỉ ra rằng với HS người dân tộc thiểu số, tuần làm quen không chỉ sẽ triển khai các hoạt động dạy HS về nền nếp, kỹ năng… mà còn củng cố lại tiếng Việt thông qua giao tiếp, trò chơi, quy định tại lớp học. Với HS dân tộc bước vào lớp 1, tiếng Việt càng vững vàng bao nhiêu thì khả năng tiếp nhận kiến thức, hoàn thành mục tiêu cơ bản là nghe, nói, đọc, viết hiệu quả bấy nhiêu…

PGS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Trẻ vào lớp 1 không thể thiếu “tuần 0”. “Việc làm quen với nhiều điều mới mẻ đối với trẻ chỉ trong vòng 1 tuần đôi khi chưa đủ thời gian. Càng làm quen với môi trường mới bao nhiêu càng giúp trẻ yên tâm, ổn định về mặt tinh thần bấy nhiêu. Từ đó trẻ mới có thể bắt nhịp học tập hiệu quả…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.