Tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã dạy cho các bé cách để tư duy cũng như cách làm thành một bài thơ.
Anh Việt chia sẻ: “Làm thơ không khó nhưng việc chọn hình ảnh nào, câu chuyện nào để đưa vào bài thơ thì mới là điều khó khăn nhất. Và các bạn nhỏ chỉ nên nhớ là với thơ thì tính vần điệu rất là lớn. Một khổ thơ gồm bốn câu thì bao giờ cũng vậy, chữ cuối cùng của câu đầu tiên là vần trắc (dấu sắc hoặc dấu hỏi) hoặc vần bằng (không dấu hoặc dấu huyền) thì câu kế tiếp phải đổi ngược lại và câu thứ 3 phải điệp vần với câu thứ nhất, câu thứ 2 điệp vần với câu thứ 4 ở chữ cuối cùng”.
|
Anh Việt cũng có lời khuyên cho các bạn nhỏ khi học môn ngữ văn: “Để làm văn hay thì nên đọc, xem và nghe nhiều. Và điều quan trọng nhất vẫn là kỹ năng quan sát. Nếu đi chơi hay đi bất cứ một nơi nào đó thì nên tập trung quan sát, nhìn sự vật sự việc và đặt câu hỏi cho từng sự vật, sự việc đang xảy ra. Kỹ năng quan sát sẽ là chất liệu tốt nhất giúp đưa vào bài văn của mình thật nhiều chi tiết hay và sáng tạo. Thế nhưng, thực tế hiện nay thì các bé bị thiếu là cơ hội để đi du lịch hay đi đâu đó, chính vì thế làm hạn chế chất liệu để các bé làm văn”.
|
Ngay sau khi được hướng dẫn, các bé hào hứng lên sân khấu và tự sáng tác bài thơ từ những chủ đề tự chọn.
Lê Đình Anh Uyên (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Q.Thủ Đức, TP.HCM) xung phong lên sân khấu nhanh nhất nhưng cũng là cô bé cần sự trợ giúp của anh Phong Việt nhiều nhất. Vì Uyên chưa bao giờ làm thơ và đây là lần đầu tiên Uyên biết thơ là gì.
Ngồi hơn 5 phút nhưng Uyên chưa nghĩ ra được mình phải làm gì, sau khi được anh Phong Việt gợi ý, Uyên viết liên hồi 4 câu thơ về phong cảnh quê ngoại của mình.
“Có một cánh đồng lúa
Xanh mướt một màu xanh
Những cánh cò màu trắng
Tô điểm thành bức tranh”.
|
Lần đầu tiên tự mình làm được một bài thơ và được khen nên Uyên vô cùng thích thú. Uyên nói từ nay sẽ tập làm thơ nhiều hơn vì làm thơ rất là vui.
Khác với Anh Uyên, cô bé Nguyễn Phương Uyên (Lớp 4, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.6) dù cũng là lần đầu tiên làm thơ nhưng Phương Uyên tỏ ra rất chuyên nghiệp và tự mình làm được bài thơ dài 6 câu.
Bài thơ của Phương Uyên như sau:
“Hôm nay con đến lớp
Nghe tiếng ve rộn ràng
Mùa hè sắp tới rồi
Sắp chia bè chia bạn
Sắp xa trường xa lớp
Nhớ hoài những kỷ niệm”.
|
Còn Đặng Gia Thịnh (lớp 6, Trường Vinshool, Q.2) thì cho biết rất thích làm thơ và ở nhà cũng được mẹ chỉ cách làm thơ nên lên sân khấu, “một mình một ngựa” Thịnh làm một mạch bài thơ dài 16 câu với tựa đề “Mưa”:
“Đã bao giờ bạn hỏi/ mưa khi nào ngừng rơi
Để lại từng góc phố/lặng trong tiếng mưa rơi
Đã bao giờ bạn thấy/mưa rơi thật là êm
Như ai ngồi huýt sáo/dưới ngọn đồi bên thềm
Đã bao giờ bạn nghĩ/mưa như những búp măng
Ai trên đỉnh trời ngắt/làm rơi xuống trần gian
Mưa tốt cho cây cối/chẳng kém gì con người
Vì thế hãy cứ rơi/mưa hãy rơi mãi mãi”
Đọc bài thơ lên, ai cũng ngỡ ngàng và ngưỡng mộ trí tưởng tượng cũng như tài làm thơ của Thịnh. Thịnh chia sẻ: “Em thích sau này trở thành một nhà thơ, và cũng thích viết thật nhiều sách. Con người đọc sách sẽ có kiến thức nên người viết sách là người mang tri thức đến cho mọi người”.
Bình luận (0)