Trước đó một tuần, nhân vật mà bé chọn để hóa trang và bắt chước hình tượng cho phần trình diễn lại chính là một nghệ sĩ vừa bị từ chối sự xuất hiện trong một gameshow khác dành cho thiếu nhi trên kênh truyền hình Vĩnh Long.
Tôi đang băn khoăn nghĩ về cách mà các gameshow truyền hình hướng đến đối tượng trẻ em, bên cạnh sự nổi tiếng và giải thưởng “khủng” có thể làm thay đổi cuộc đời của em và gia đình, đi kèm theo đó cũng sẽ là sự tác động đến cách mà các em phát triển và lớn lên.
Tôi nhớ lại cách đây 5 năm, cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” mùa đầu tiên đã dậy sóng dư luận về cô bé học sinh lớp 10 được xây dựng hình ảnh và biên tập một cách méo mó rằng em là thí sinh tự tin thái quá về bản thân, gia đình em là người lố bịch và khoe khoang.
Trước khi đến với cuộc thi, em được biết đến là một cô bé 15 tuổi năng động và tích cực tham gia hoạt động văn nghệ ở địa phương và trường học. Câu chuyện có lúc tưởng chừng đang tạm lắng thì một chương trình hài kịch của kênh truyền hình quốc gia lại muốn gây sự chú ý dư luận bằng cách chế lại câu chuyện của em để phát sóng. Cô bé bị khơi lại sự “nổi tiếng” mà tôi tin chắc chắn là em và gia đình rất muốn quên đi. Bỏ qua việc phân định xem ai đúng ai sai trong câu chuyện này, chỉ nhìn tác động của scandal ồn ào này thì chương trình đã lập tức thu hút được lượt người xem một cách đông đảo. Vậy mô típ quen thuộc là phương pháp “bi kịch hóa” hoặc “lố bịch hóa” thí sinh mà chúng ta thường thấy ở các chương trình truyền hình thực tế liệu chăng đã được áp dụng để phục vụ mục đích thương mại bởi ban tổ chức? Đến với cuộc thi, tôi tin rằng bản thân cô bé không hình dung được mình sẽ trở thành tiêu điểm nhận nhiều gạch đá khiến em phải khóc nức nở trên truyền hình và mất ăn mất ngủ suốt thời gian sau đó bởi những bình luận mỉa mai, tiêu cực từ khắp nơi đổ về. Đó thật sự là một cú sốc đối với một cô bé mới 15 tuổi.
Hiện nay, tôi thấy không thiếu những chương trình truyền hình giải trí và cuộc thi đầu tư rất lấp lánh về hình thức, nhưng lại nông về nội dung giáo dục mà giải thưởng thì lại rất lớn. Dù đóng vai trò là khán giả hay là thí sinh của cuộc thi, tôi chủ quan cho rằng cả người lớn chúng ta và trẻ em cũng chưa lường trước được hết những tác động đằng sau những sự nổi tiếng bất ngờ, sự tung hô ảo và giải thưởng khủng.
Việc thiếu định hướng giáo dục của các chương trình giải trí sẽ dẫn dắt các bé đến những nhận thức sai lệch về sự nổi tiếng và giá trị của giải thưởng. Thay vì chúng ta cần giúp con trẻ khám phá ra tiềm năng của bản thân và phát triển nó một cách phù hợp và bền vững bằng cả một quá trình giáo dục từ nhà trường, gia đình đến cộng đồng, chúng ta lại đang làm cho các em nhầm tưởng việc bắt chước, hát nhép hoặc cố gắng hành xử như hành vi của một vài người nổi tiếng và đi kèm tai tiếng nào đó sẽ là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để thành công trong một cuộc thi.
Nguy hiểm thay từ các cuộc thi này, sự nổi tiếng và giá trị giải thưởng lớn lại là một động lực lớn thu hút sự tham gia của các phụ huynh và các bé. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhận thức về giá trị sức lao động và giá trị của tiền bạc của các em và dẫn đến các hành vi lệch chuẩn.
Khi nhìn thấy một cô bé 4 tuổi trên sóng truyền hình, tôi đã cảm thấy băn khoăn khi phụ huynh để em mặc những bộ trang phục biểu diễn ôm sát, uốn éo lắc hông và thể hiện động tác catwalk trên sóng truyền hình, cố uốn lưỡi, tạo khẩu hình miệng, và nhớ lời thoại để sao cho giống nhất với nhân vật mình đang bắt chước. Bên dưới, ban giám khảo, phụ huynh và khán giả vỗ tay cổ vũ không ngớt. Có thể các em chưa hiểu hết tất cả những lời thoại hoặc đông tác mà các em đang trình diễn, nhưng tôi tin rằng, các em hiểu mình đang được cổ vũ và khuyến khích làm điều đó từ rất nhiều người.
Có ý kiến cho rằng, việc tham gia các cuộc thi hay chương trình truyền hình thực tế là một hình thức khai thác tuổi thơ của trẻ. Ý kiến khác thì lại cho đó là một cuộc đổi đời và giúp các em phát triển tài năng thật sự. Tôi cho rằng việc tham gia các gameshow truyền hình, các cuộc thi giải trí hay show truyền hình thực tế mang tính chất thương mại giải trí này, bằng cách này hay cách khác đều có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ngoài những yếu tố đã nói ở trên về nhận thức và hành vi, các em còn đối mặt với việc học tập có thể bị gián đoạn, thời gian biểu sinh hoạt bị đảo lộn, làm việc trong môi trường nhiều áp lực và rủi ro từ sự cố truyền thông và dư luận... Những điều này cũng rất dễ ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và thể chất của các em. Tôi luôn tự hỏi liệu quy trình tổ chức các cuộc thi cho trẻ em, đã có sự tham gia cố vấn và giám sát của các chuyên gia hoặc cơ quan hữu quan về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em hay chưa? Làm sao chúng ta biết được những tư liệu hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ được sử dụng như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về nội dung chương trình để đảm bảo tính giáo dục và không bị thương mại hóa lạm dụng sự xuất hiện của trẻ? Liệu trẻ có vượt qua được những bình luận ác ý từ dư luận nếu tiết mục bị chê, hay trẻ có dễ dàng thỏa mãn thành công nhất thời trong một cuộc thi từ sự tung hô ảo?
Từ các cuộc thi tìm kiếm ngôi sao nhí đến việc khai thác triệt để tuổi thơ của các em bằng những lịch trình làm việc dày đặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và thể chất, nó không còn là một sân chơi giải trí mà đã trở thành lạm dụng sức lao động trẻ em nếu chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra. Điều đó cũng có thể đẩy trẻ đến những nguy cơ đối mặt với áp lực từ sự nổi tiếng, nhận thức sai lệch về giá trị đồng tiền và nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng. Thực tế có nhiều ngôi sao nhí nổi tiếng quá sớm rồi không vượt qua được áp lực đó khi chuyển đổi sang giai đoạn trưởng thành một cách khập khiễng, nhiều người không chịu nổi sức ép đó và đã trượt dài như ngôi sao Macaulay Culkin nổi tiếng của loạt phim “Ở nhà một mình” một thời.
Mùa hè đang đến gần, các cuộc thi giải trí đã rục rịch khởi động và đâu đó tôi đã thấy những scandal được tạo nên để thu hút sự chú ý. Vậy làm sao để chúng ta có thể bảo vệ con trẻ trước sức hút của những sân chơi này? Giữa quyền lực của đơn vị tổ chức và quyền lợi của thí sinh tham gia, có lẽ đây không phải là cuộc thảo luận cân sức nếu chúng ta đặt các vấn đề muốn tìm hiểu về các quy định bảo vệ trẻ em trong một cuộc thi đó. Khi quyết định tham gia và ký vào các văn bản thỏa thuận hoặc đơn đăng ký, phụ huynh và các thí sinh nhí cũng được yêu cầu phải tuân theo quy định và sự điều hành của ban tổ chức. Ấn Độ là một trong quốc gia có số lượng chương trình truyền hình có sự tham gia của trẻ em nhiều nhất thế giới, các chuyên gia tâm lý tại đất nước này cho rằng người có vai trò quyết định lớn nhất trong việc bảo vệ quyền của trẻ em trong các cuộc thi và chương trình truyền hình chính là phụ huynh. Với tư cách người giám hộ hợp pháp, phụ huynh nên là người xem xét và đừng ngần ngại tham vấn các chuyên gia về pháp lý về các điều khoản quy định của các văn bản ký kết giữa ban tổ chức và thí sinh.
Về mặt quản lý, tôi vẫn mong vai trò giám sát và duyệt nội dung của các cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em sẽ rõ nét hơn với các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ từ quy trình tổ chức, sản xuất và phát sóng. Ngoài ra, tôi cho rằng việc xác định mục tiêu đến với sân chơi này phải được xác định rõ để cả nhà cùng vui, không nên đặt áp lực quá lớn lên con trẻ. Trở về sau mỗi cuộc thi, có em sẽ trở thành ngôi sao nhí trên khắp các mặt báo, có em sẽ trở lại cuộc sống thường nhật bình thường như bao ngày. Khi nhìn những hình ảnh các trẻ em ôm nhau khóc nức nở lúc phải chia tay cuộc thi, tôi cũng nghĩ rằng chúng ta cần chuẩn bị tâm lý và dạy cho các em về sự thất bại, cách chấp nhận và đối mặt với nó.
Bình luận (0)