Sống nhờ rác
Mới gần 4 giờ sáng, bà Thu đã giục con gái dậy chuẩn bị đi ra bãi rác gần nhà để tranh thủ nhặt phế phẩm lúc trời còn mát. Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng, cô gái đang tuổi ăn tuổi ngủ cố gượng dậy để không bị chậm chân trước “hàng xóm”. Ngày nào cũng vậy, trừ khi đau ốm, hai mẹ con bà Thu cũng chăm chỉ nhặt phế phẩm trên bãi rác từ lúc 4 - 11 giờ sáng và chiều từ 2 - 6 giờ. Những cư dân khác trong xóm rác cũng theo giờ giấc này.
Gọi là xóm rác nhưng thực ra chỉ khoảng 10 hộ sống ven hai bên đường vào bãi rác nằm sau lưng Nghĩa trang Dốc Sạn và cách quốc lộ chừng 2 km. Những căn nhà xập xệ bốc mùi xú uế của bãi rác bên cạnh và đầy bao bố các phế phẩm chất thành đống quanh lối vào nhà. Mỗi ngày 6 chuyến xe của cả TP.Cam Ranh với hàng chục tấn rác được chở đến đây. Mỗi khi hai chiếc xe rác qua Nghĩa trang Dốc Sạn rồi tiến vào bãi rác Hòn Quy, dân xóm rác ào ra để tranh phần rác ở bãi mà suốt hơn chục năm qua họ đã sống nhờ. Với cư dân xóm rác Hòn Quy, rác là “lộc”, mang lại cái sống cho họ. Ông Lê Văn Minh đã có thâm niên gần 16 năm “cày” trên bãi rác nói: “Cái nghề này không cần vốn, chỉ cần sức. Siêng thì đủ ăn, chứ không thể dư! Tui đã nuôi chín đứa con từ bãi rác này. Cuộc đời tui gắn với bãi rác như số phận!”.
|
|
Họa cũng do rác
Mùa nắng hay mưa, dân xóm rác đều khốn khổ. Lúc nhiệt độ lên đến hơn 40 độ, cánh đàn bà có người ngất xỉu trên đống rác. Thế là cả xóm dừng tay và đưa về nhà nghỉ. Lúc trời mưa thì mùi rác hăng kinh khủng. “Nhưng bao nhiêu năm nay chúng tôi ngửi quen rồi”, ông Minh nói.
Không phải bãi rác Hòn Quy lúc nào cũng yên bình. Khi hai chuyến xe rác buổi trưa đến là lúc bãi rác dậy sóng. Các cư dân bãi rác lúc đó đã đông đủ thành phần và cuộc tranh giành rác bắt đầu. Có khi đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán. Tuy nhiên, việc này diễn ra không thường xuyên.
Rác mang đến cái sống nhưng rác cũng ẩn chứa nhiều mầm bệnh và tai họa. Ngoại trừ các bệnh về đường hô hấp thì các mũi kim tiêm của con nghiện cũng là điều mà mọi người trong xóm hay bảo nhau cảnh giác, dù đã được trang bị khẩu trang, giày da và bao tay cẩn thận.
Khi có thông tin rằng bãi rác sẽ được chuyển vào khu Mỹ Thanh gần đó, dân xóm rác vẫn quyết tâm bám theo mà không ai có ý định chuyển nghề. Đơn giản, họ không biết làm gì khác ngoài cái nghề mà họ đã gắn bó hơn chục năm qua. Và thực sự họ cũng không có đủ tiền và cả học thức, chuyên môn lẫn kinh nghiệm để chuyển sang nghề khác!
Tương lai của trẻ xóm rác
Vợ chồng anh Thái cũng là con của ông Minh và cũng “nối nghiệp” cha mình ở bãi rác. Có ba đứa con trai, anh cho hai đứa lớn vào TP.HCM kiếm sống. Chỉ còn đứa nhỏ đang học tiểu học ở Cam Ranh. “Mình thấy rác là ngán lắm nên không để bọn trẻ dính dáng đến nó. Làm gì cũng được, miễn là đừng nhặt rác!”.
Chị Hồng Thương không cho con gái Bảo Ngọc đang học lớp 4 ra bãi nhặt rác, nhưng cô bé đã làm quen với rác từ lúc còn học… mẫu giáo. Công việc của em là ở nhà phân loại rác từ những bao bố mà mẹ Thương mang về. “Buổi sáng cháu ở nhà giúp mẹ. Buổi chiều đi học. Những ngày nghỉ thì làm việc cả ngày”, Ngọc nói vẻ bẽn lẽn. Ngọc bảo em tranh thủ học bài vào buổi tối. Những khi có người bạn trong lớp trêu chọc nhặt ve chai, em cảm thấy có chút thẹn và tủi hổ.
Trong đại gia đình của ông Minh gồm ba thế hệ gần 20 con người sống dưới những căn chòi dột nát, chật chội vẳng lên tiếng trẻ con học bài. Không biết rằng tương lai của chúng có thoát khỏi cái bãi rác mà chúng đang sống nhờ vào đó không, hay sẽ tiếp nối cha mẹ chúng, ông bà chúng? Dù sao thì ngày ngày những đứa trẻ ở đây vẫn hít mùi rác, thấy rác và sống nhờ vào rác!
Hữu Nam
>> Nhọc nhằn mưu sinh mùa nước cạn
>> Chiến dịch “Khu phố xanh”
>> Nhặt rác trên sườn Everest
>> Tuổi thơ bươn chải ở bến xe
Bình luận (0)