Tập trung làm tốt công tác tinh giản bộ máy: Trên đã ‘nóng’ thì dưới phải quyết liệt

18/07/2018 06:13 GMT+7

Có một quy luật hiển nhiên là muốn tăng lương cho người lao động nói chung, trong đó có một bộ phận là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, thì năng suất lao động xã hội phải tăng, bộ máy của hệ thống chính trị phải tinh gọn mà hoạt động vẫn hiệu quả.


Đó cũng chính là một trong nhiều lý do mà Bộ Chính trị và BCH T.Ư Đảng gần đây ban hành các nghị quyết (NQ) liên quan đến nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và ở vế sau (tính hiệu lực, hiệu quả), đó mới là mục tiêu và đích đến quan trọng.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2015, ở nhiều nước xung quanh chúng ta, tính cả lực lượng quân đội và cảnh sát vào rồi thì với tỷ lệ 1.000 dân, tỷ lệ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách chỉ là 13 người ở Philippines; 16 người ở Ấn Độ; 17 người ở Indonesia; 25 người ở Singapore; 26 người ở Malaysia... Trong khi đó, VN, tuy chưa tính lực lượng vũ trang như họ thì đã là 43 người/1.000 dân.
Đó là điểm yếu căn cơ cần sớm khắc phục bằng nhiều biện pháp và phải xem như một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Nếu không thì lấy đâu ngân sách nuôi bộ máy rất cồng kềnh và nói gì đến chuyện tăng lương, cải thiện đời sống? Khi trình bày dự thảo Đề cương quán triệt NQ T.Ư 6, khóa XII tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tháng 11.2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã dẫn ra một loạt các NQ T.Ư ban hành từ các khóa VIII, IX, X, XI có liên quan đến tổ chức bộ máy. Theo đó, tuy có đạt được một số kết quả quan trọng, có ý nghĩa trong 30 năm đổi mới, song phải nghiêm túc thấy việc chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.
Có thể nhận thức được rằng, tính khả thi của NQ T.Ư 6, khóa XII rất cao và cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, cùng rốt ráo triển khai và hành động quyết liệt. Đã đến lúc phải xem đó là một tất yếu để cải cách bộ máy trong hệ thống chính trị nếu muốn tổ chức Đảng và chính quyền của chúng ta hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Theo một thông báo từ cuộc giao ban trực tuyến toàn quốc của Ban Tổ chức T.Ư gần đây thì đến hết tháng 6.2018 vẫn còn 9/63 ban tổ chức cấp ủy trực thuộc T.Ư chưa có tham mưu cấp ủy ban hành Kế hoạch thực hiện NQ số 18 ngày 25.10.2017 của BCH T.Ư Đảng, Kế hoạch 07/TW của Bộ Chính trị về thực hiện "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Như vậy thì thật đáng lo bởi thời gian thực hiện tinh giản bộ máy cho đủ 10% vào năm 2021 thì sẽ làm thế nào cho kịp. Trong khi đó, có một số tỉnh vào cuộc quyết liệt thì đến nay đã giảm được 5 - 7% biên chế, hợp đồng.
T.Ư ban hành NQ đến nay cũng đã 8 - 9 tháng. Cả nước hiện đã có khoảng chục tỉnh, thành thực hiện tốt NQ 18 thì vẫn còn 9/63 tỉnh còn thụ động, chờ đợi hướng dẫn tiếp mà chưa tự xây dựng hoàn thiện đề án. Theo ông Phạm Minh Chính, đã là NQ thì các cấp ủy Đảng phải quán triệt, thực hiện nghiêm. Những việc gì đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm và làm ngay. Việc gì chưa chín, còn có ý kiến khác thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, từng bước nhân ra diện rộng. Làm có lộ trình, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.
Chúng tôi đã đi đến 3 địa phương là Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh để tìm hiểu thực tiễn, bởi được biết đó là 3 trong số khoảng 10 Đảng bộ tỉnh, thành của cả nước thực hiện quyết liệt những việc đã chín, đã rõ, đã cụ thể như nhất thể hóa chức danh ở cấp huyện, sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị với Ban Tuyên giáo cấp huyện; sắp xếp lại tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, sắp xếp đơn vị sự nghiệp, sáp nhập thôn/tổ dân phố, phường, xã... Tóm lại, đó là những địa phương đang từng bước vận dụng sáng tạo, làm tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mỗi tỉnh làm được lại có một nét riêng, cần được sớm tổng kết, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng. (còn tiếp)
Tính đến 1.3.2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước là 3.958.760 người (chưa tính lực lượng vũ trang). Trong tổng số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách thì số cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 2.294.251 người, chiếm 57,95%. Sau 2 năm thực hiện NQ 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế thì thật trái khoáy, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng hơn 96.000 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.