Cơ quan Đảng bộ huyện không có các ban, chỉ có 1 ban duy nhất là ban Xây dựng Đảng, nhưng đại hội vẫn bầu ra Ủy ban Kiểm tra để xử lý công việc theo chức năng nhiệm vụ. Ban Xây dựng Đảng thì làm cả trách nhiệm của công tác tuyên truyền, công tác kết nạp đảng viên; có bộ phận làm công tác kiểm tra đảng, công tác dân vận. Bộ máy thành lập ngay từ đầu đã rất gọn nhẹ. Từ chỗ là huyện nghèo, nay Cô Tô phát triển nhiều mặt và đạt mức thu nhập bình quân đầu người 4.000 USD/năm.
Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là điểm sáng về tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị, từ bộ máy các ban đảng đến chính quyền, đến biên chế trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa... Qua đó, tiến hành hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Ban Thanh tra ở 8/14 huyện, Ban Tổ chức với phòng Nội vụ; thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; bố trí Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ tỉnh. Đến nay đã giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Quảng Ninh cũng đã nhanh chóng vươn lên đứng đầu cả nước năm 2017 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Năm 2008, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có sáng kiến đưa lãnh đạo cấp sở, ban ngành tỉnh xuống từng chi bộ cơ sở sinh hoạt theo địa bàn phân công. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Hà Văn Thạch cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng tổng kết việc này. Lúc đầu cũng không trơn tru lắm vì cấp phó sở, ban, ngành trở lên đều phải tham gia và sắp xếp thời gian sao cho phù hợp. Anh xuống xã, xuống huyện, thấy chi bộ họ làm thế nào, anh có dịp nhìn dân, nghe dân thì họ nhìn thấy anh, nghe anh, thế là được. Ban đầu thì chỉ cần thế thôi, tháng nào cũng dành thời gian dự sinh hoạt và có báo cáo về chi bộ mình được phân công phụ trách. Sau đó thì nâng dần chất lượng đến khi nắm bắt được thực tiễn, tổng hợp và đề xuất để tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời”.
Một nét sáng tạo nữa của Hà Tĩnh cũng theo hướng tích cực. Trước khi có Nghị quyết (NQ) T.Ư 6, khóa XII, tỉnh có 2.837 thôn/tổ dân phố trong đó có 1.025 thôn có quy mô dưới 100 hộ dân. Nếu thực hiện theo Nghị định 92/2009 của Chính phủ thì toàn tỉnh sẽ được phép có trên 48.000 cán bộ thôn. Đây là điều bất hợp lý, tạo gánh nặng chi ngân sách, nên ngay từ năm 2012, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành NQ 09 nhằm chủ động sắp xếp lại toàn diện tổ chức và hoạt động của thôn/tổ dân phố.
Sau 5 năm, Hà Tĩnh nay đã giảm được 722 thôn/tổ dân phố; qua đó giảm được hơn 24.000 cán bộ thôn, tiết kiệm chi ngân sách trên 89 tỉ đồng/năm. Với việc chức danh kiêm nhiệm cán bộ thôn/tổ dân phố, vừa tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn thì cách làm của Hà Tĩnh đáng tham khảo. Với mô hình bí thư chi bộ thôn kiêm trưởng thôn/tổ trưởng dân phố, thì quy trình để nhân dân lựa chọn bầu chức danh trưởng thôn/tổ trưởng dân phố trước trong số những đảng viên được chi bộ đề xuất. Rồi để dân cân nhắc, bàn bạc và bỏ phiếu. Sau đó cấp ủy mới phân công trưởng thôn/tổ trưởng dân phố được dân bầu sẽ làm bí thư chi bộ. Phương châm rất rõ: "Dân tin, Đảng mới cử"...
Đối với Vĩnh Phúc, ngay từ khi Bộ Chính trị ban hành NQ 39 (khóa XI), Tỉnh ủy đã cho nghiên cứu để ban hành Đề án 01 một cách rất bài bản. Đến nay, về sắp xếp tổ chức bộ máy, so với năm 2015, toàn tỉnh giảm được 140 đầu mối, trong đó khối Đảng giảm được 38 đầu mối, khối chính quyền giảm được 102 đầu mối. Toàn tỉnh đã giảm được 1.529 biên chế. Và trong thời gian ngắn vừa qua, tỉnh đã giảm được hơn 1 vạn biên chế không chuyên trách. Tỉnh cũng đã giải thể 137/137 chi bộ cơ quan xã; bố trí các cán bộ xã là đảng viên về sinh hoạt với chi bộ thôn xóm nhằm tạo ra sự gắn bó với cơ sở hơn.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, Vĩnh Phúc làm rất quyết liệt như sáp nhập Ban Tuyên giáo cấp ủy với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Riêng huyện Vĩnh Tường đã sáp nhập Ban Tuyên giáo với Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Ban Dân vận thành Ban Tuyên giáo - Dân vận cấp ủy cấp huyện; trưởng ban Tổ chức cấp ủy kiêm trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra huyện. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Văn Toàn, hai ban Đảng nói trên cũng có chung một nhiệm vụ là tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về tư tưởng, chính trị trong đảng viên và người dân; việc này được Trung ương đồng ý cho phép làm thí điểm. Từ việc giảm đầu mối các cơ quan, đơn vị và tinh giản biên chế, riêng năm 2017, Vĩnh Phúc đã tiết kiệm 180 tỉ đồng ngân sách.
Đã đến lúc cả hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và xem việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là điều tất yếu nhằm củng cố niềm tin trong lòng dân, góp phần tạo ra những thành tựu mới trong lãnh đạo, điều hành, quản lý đất nước.
Bình luận