Trên quê hương bolero

30/01/2017 09:00 GMT+7

Tôi lớn lên khi nhạc bolero đã vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng ư ử hát theo mà chưa bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ đặt chân đến quê hương của bolero cách Việt Nam nửa vòng trái đất: Cuba.

Nói đến Cuba không thể không nhắc đến bài hát Guantanamera (Cô gái Guantanamo) lừng danh thế giới. Đây là bài “kinh điển” mà hầu như ban nhạc Cuba nào cũng chơi. Du khách tới Cuba hẳn phải đến khu Havana cổ, cũng nghe, cũng lẩm nhẩm hát:“Guantanamera, guajira Guantanamera”, nhưng chắc ít người biết cách khu Havana cổ chỉ vài bước chân là khu phố nghèo Los Sitios, nơi sinh ra và lớn lên của cha đẻ bài hát này - nhạc sĩ Joseíto Fernández (1908 - 1979).
Dấu xưa tìm lại
Tôi tìm đến Los Sitios vào một buổi chiều nắng nhạt. Đầu đông, ngày se lạnh và ngắn. Nơi này du khách ít ai tới vì “chẳng có gì”: bảo tàng không, di tích lịch sử không, cảnh đẹp cũng không... có chăng chỉ là rải rác những chiếc xe đẩy bán từng mớ rau trái rẻ tiền, những ông già ngồi chơi domino ngay con hẻm nhỏ mốc meo, cũ kỹ, mấy bà hàng xóm đứng tám chuyện chợ búa, cơm áo gạo tiền trong khi bọn trẻ con rượt nhau chạy rần rần, cười váng cả xóm. Ôi, sao mà giống ngày xưa của tôi đến thế...
Tôi dò hỏi một số người dân ở Sitios về căn nhà ngày xưa của nhạc sĩ Joseíto Fernández sáng tác bài Guantanamera, chẳng ai biết. Trước đó tìm trên mạng cũng không ra. Hơn một thế kỷ ngày ông sinh ra, gần 40 năm ngày ông mất, căn nhà ngày xưa chắc đã qua vài đời chủ và chẳng ai còn biết, còn nhớ đến chủ nhân của căn nhà là ai. Nhưng dù sao, mỗi ngày ở đâu đó trong cái khu phố nghèo Los Sitios này, trên đảo quốc Cuba này, những câu hát chơi theo điệu bolero-son (rumba) của Joseíto vẫn luôn vang lên:
“Tôi là người chân thật
Đến từ nơi xứ cọ
Trước khi chết, tôi muốn
Gởi lại mấy vần thơ...
Guantanamera, guajira
Guantanamera”..

Đến Cuba tôi như trở lại thời thơ ấu với xe ngựa, xe lam, với những ngày cúp nước phải đợi hứng từng xô, với những ngày “phá làng, phá xóm” bị ba mẹ lôi về cho ăn roi mây tét đít... Có một buổi tối lạnh cắt da, tôi lang thang một mình tại phố cổ Trinidad (tỉnh Sancti Spíritus). Giữa muôn vàn tiếng nhạc phát ra từ các quán bar, nhà hàng mọc san sát nhau, tôi chợt nghe văng vẳng một giai điệu quen thuộc trên nền nhạc đệm điệu bolero-cha (thường gọi là cha cha cha). Nó làm tôi nhớ lại hồi nhỏ quần xà lỏn ở trần bắn bi, đá dế cùng bọn bạn trong xóm. Khi thấy anh Chà da đen răng trắng nhởn ở xóm trên là cả đám cùng tru tréo bài hát cải biên: “Cha cha cha, Ma ní lấy chồng Chà và”. Hồi đó có biết Ma ní là Manila (thủ đô Philippines), Chà và là đảo Java (Indonesia) đâu. Cứ thấy anh nào to to, đen đen, tóc xoăn xoăn thì gọi Chà và, cô nào đen đen, xoăn xoăn, to to thì gọi là Ma ní hết.
Lớn hơn một chút, thấy mấy anh lớn hát chọc gái: “Em yêu ơi, đừng yêu cái thằng bụi đời/Yêu anh đi, nhà anh có đài xập xình”, cũng hùa theo cho vui. Sau này nghe Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung hát bài Va xi lô mới biết đó là bài nhạc Cuba Rico Vacilón (nhạc sĩ Rosendo Ruiz Jr. sáng tác).
Vậy mà cũng đã gần 30 năm...
Trên quê hương bolero 1
Nhà hát lớn Havana Ảnh: Nguyễn Tập
Chơi bolero trên đất Cuba
Ở thủ đô Havana, một trong những điểm thu hút khách du lịch đông nhất là quán rượu Bodegita del Medio trên đường Empedrado, nơi nhà văn Hemingway thường lui tới trong thời gian sống ở Cuba rồi viết cuốn Ông già và biển cả. Ai đến đây cũng cuống quýt, tranh thủ chụp hình, uống một ly mojito (ngọt lè, dở tệ) như thể uống xong họ có thể sáng tác được ngay lập tức một kiệt tác mới như Hemingway. Vì thế, hầu như họ chẳng để ý đến anh mù ngồi lặng lẽ chơi đàn guitar khá hay trên lề đường sát đó.
Biết tôi từ Việt Nam đến và rất thích bolero, anh hát rong mù chơi một bản nhạc. Vừa nghe những giai điệu đầu tiên tôi đã nhận ra đó là bài Tristezas (Những nỗi buồn) - bản bolero đầu tiên trên thế giới do nhạc sĩ Cuba Jose “Pepe” Sanchez sáng tác vào khoảng năm 1883. Bài này tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần nhưng lần này cảm giác khác hẳn.
Từ thế kỷ 16 đến gần cuối thế kỷ 19, hơn 1 triệu nô lệ châu Phi đã được đưa đến Cuba để làm việc tại các đồn điền của các ông chủ da trắng. Ra đời trong giai đoạn đó, giai điệu bolero là những câu chuyện buồn, là nỗi niềm của những thân phận nghèo khổ, khốn cùng. Chưa kể, cha đẻ của bolero Pepe Sanchez cũng là một nhạc sĩ chơi guitar. Phải chăng vì vậy mà chàng hát rong mù chơi bolero “ngọt” và tình cảm hơn?
Ngày cuối cùng tại Cuba, tôi lại ra Malecon, khu bờ kè chạy dọc bờ biển nổi tiếng ở thủ đô Havana. Gió biển vẫn thổi lồng lộng, sóng vẫn đánh tràn ra cả đường như hàng bao năm. Hôm đó trời mưa lâm râm, nên ít người ra ngồi chơi. Ông già Antonio vẫn ngồi đó thổi kèn saxophone say sưa như mọi ngày, không thèm quan tâm có ai nghe hay không. Giữa khung trời bao la, tiếng kèn dìu dặt bài Besame mucho (Hãy hôn em thật nhiều) quyện với tiếng gió, tiếng sóng... Tôi đứng nhìn, im lặng vì không muốn phá tan giây phút thăng hoa của ông. Khi kèn dứt tiếng, tôi đến bắt tay: “Muchas gracias! (Cảm ơn ông rất nhiều)”. Ông già gật đầu, nở nụ cười hiền hậu.
Nổi hứng, tôi mượn cây đàn của ông già, chơi bản bolero Chuyến tàu hoàng hôn: Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn... đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài...
Ông già ngồi nghe, cũng vỗ tay tán thưởng dù chắc chẳng hiểu gì. Mà cần gì hiểu, tôi chơi cho tôi cơ mà. Chơi bolero Việt Nam ngay trên đất Cuba, quê hương của bolero, chẳng phải là cảm giác sướng lắm sao?
Nguồn gốc bolero
Bolero là tên một vũ điệu hàn lâm truyền thống của Tây Ban Nha, theo nhịp 3/4 ra đời vào cuối thế kỷ 18. Tuy nhiên, bài nhạc bolero đầu tiên trên thế giới xuất phát từ Cuba và có ảnh hưởng rất lớn. Nhiều điệu nhạc rất thịnh hành như rumba, cha cha cha, mambo... cũng là biến thể từ nhạc bolero.
Nhạc bolero ở Cuba thường mang nhịp 2/4, tốc độ khoảng 96 - 104 phách/phút (beats per minute). Điệu rumba chính là bolero-son (nhanh hơn bolero gốc một chút, tốc độ khoảng 104 - 128). Ngoài ra, điệu cha cha cha chính là bolero-cha và mambo là điệu bolero-mambo.
Nhạc bolero ở Việt Nam gần như khác hẳn, khi thường viết ở tông thứ, nhịp 4/4 và chơi ở tốc độ khoảng 60 bpm (chậm hơn bolero Cuba). Đây cũng là tốc độ các bài ca cổ, cải lương của dân miền Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.