Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh

07/07/2023 14:56 GMT+7

Sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc chân trần, chí thép đã minh chứng cho lời thề chung: 'Dù núi Trường Sơn có chuyển mình, sông Cửu Long có dậy sóng, thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, không có gì quý hơn độc lập tự do'.

Sáng 7.7, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức lễ giỗ 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân lần thứ 55 (1968 - 2023), tại Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh).

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu thắp hương tưởng nhớ 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến

PHAN THU HOÀI

Đây là dịp để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của 32 người con đất Vĩnh Lộc anh hùng; đồng thời để những cựu dân công trở về "cánh đồng bưng năm xưa" thắp nén hương tưởng nhớ đồng bào, đồng chí, đồng đội, cùng nhau nhắc nhớ những kỷ niệm hào hùng và bi tráng.

Tại lễ giỗ, ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch HĐND H.Bình Chánh ôn lại truyền thống 55 năm ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc năm 1968.

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch HĐND H.Bình Chánh

PHAN THU HOÀI

Cách đây hơn 55 năm, vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, tại các vùng ven đô Sài Gòn đã chứng kiến biết bao bước chân của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến ngược xuôi tải đạn, cáng thương dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù…

Ngay tại vùng đất Vĩnh Lộc này, đoàn dân công hỏa tuyến tham gia đi tải thương, tải đạn để kịp chi viện, tiếp ứng cho các cánh quân chủ lực của ta đánh vào sào huyệt đầu não của kẻ thù.

Đêm 15.6.1968 (nhằm ngày 20.5 âm lịch), đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An để từ đó tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công đến góc bưng của kinh Láng Cát thì bất ngờ phát hiện địch pha đèn rọi sáng cả một vùng, chúng phát hiện ra đoàn dân công và bắn xối xả vào đội hình.

Hy sinh khi còn rất trẻ

Trận oanh kích ác liệt bằng rốc két đã tước đi sinh mệnh của 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam ở tuổi đời còn rất trẻ - mười sáu, đôi mươi, trong đó có nhiều người chưa lập gia đình…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, để ghi nhớ công lao của 32 dân công hỏa tuyến, năm 1980, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B) đã dựng ngôi đền nhỏ và lập bia tưởng niệm.

Năm 2005, đền thờ dân công hỏa tuyến đã được UBND TP.HCM công nhận Di tích lịch sử cấp Thành phố. Năm 2010, tập thể 32 dân công hỏa tuyến được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 3.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM dâng hương tưởng niệm

PHAN THU HOÀI

Ông Huỳnh Công Hòa, em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Bưa (1 trong 32 dân công hỏa tuyến hy sinh năm 1968) xúc động chia sẻ, chỉ trong một đêm, xã Vĩnh Lộc mất đi những người con ưu tú, thân nhân liệt sĩ mất đi những người mẹ, người cha, người chị, người em còn rất trẻ.

"Các liệt sĩ hy sinh khi trong tay không một tấc vũ khí phòng thân, chỉ có một chiếc khăn và trái tim rực lửa. Người dân Vĩnh Lộc xót xa gọi đó là đêm trắng đau thương. Đêm trắng mãi mãi là trang sử oanh liệt nhất của mảnh đất Vĩnh Lộc, Bình Chánh anh hùng. Tôi rất tự hào về 32 dân công đã ngã xuống cho đất nước đứng lên kiêu hãnh, rạng ngời".

Ông Hòa thay mặt thân nhân của 32 liệt sĩ đã hy sinh, gửi lời cảm ơn những tình cảm quan tâm thăm hỏi, động viên của chính quyền các cấp suốt những năm qua dành cho gia đình thân nhân liệt sĩ.

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 4.

Nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm hỏi, động viên thân nhân liệt sĩ

PHAN THU HOÀI

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM trao quà cho gia đình thân nhân liệt sĩ

PHAN THU HOÀI

Tri ân 55 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc hy sinh  - Ảnh 6.

Tượng đài dân công bằng đồng đen cao 3 mét tại Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh)

PHAN THU HOÀI

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.