Tri ân các liệt sĩ Khánh Hòa hy sinh ở Gạc Ma

01/06/2012 03:09 GMT+7

Những người vợ liệt sĩ Gạc Ma đã vượt lên nỗi đau mất mát, nuôi dạy con cái trưởng thành. Con gái họ có người lại tiếp tục duyên phận làm vợ hải quân.

Tri ân các liệt sĩ Khánh Hòa hy sinh ở Gạc Ma
Phóng viên Thanh Niên thăm hỏi gia đình chị Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương - Ảnh: Trần Đăng

Ngôi nhà của chị Đỗ Thị Hà trong một con hẻm nhỏ của TP.Cam Ranh như rộng thêm ra kể từ khi đứa con gái Đinh Thị Mỹ Lệ, con của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh vào TP.HCM theo học khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 2006. Ngày Lệ xách túi lên đường, chị Hà tuy mừng cho con đã khôn lớn nhưng mắt thì đẫm nước. Từ bây giờ, giọt máu duy nhất của anh Đinh Ngọc Doanh gửi lại cho chị, bắt đầu tách mẹ. Mấy chục năm rồi, chị Hà vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con.

Suốt 6 năm qua, chị Hà đã sống trong ngôi nhà vắng bóng người. Hằng ngày, chị phải thức dậy từ sáng sớm để theo các đội xây dựng làm phụ hồ, kiếm thêm vài chục ngàn nuôi con ăn học, tối mịt chị mới về nhà. Đêm đêm nhớ con, chị lại thức dậy nhìn di ảnh chồng, rồi khóc. Cũng may là Mỹ Lệ rất ngoan hiền, chăm học. Học xong, Lệ ở lại thành phố làm việc.

Trong danh sách của chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” thì tỉnh Khánh Hòa có 3 liệt sĩ. Ngoài liệt sĩ Võ Đình Tuấn là người gốc Ninh Ích, Ninh Hòa, hai người còn lại đều quê ngoài Bắc. Liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh quê Hoa Lư, Ninh Bình, đóng quân ở Cam Ranh, gặp cô gái làng Đỗ Thị Hà “níu chân” rồi ở rể luôn. Ngày anh Doanh hy sinh, cháu Mỹ Lệ còn đi lẫm chẫm, chưa từng biết mặt bố.

Người còn lại thì ai cũng biết với câu nói nổi tiếng trước lúc hy sinh: “Máu của chúng ta có thể nhuộm đỏ biển Đông nhưng nhất quyết không để mất đảo!”. Đó là anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, quê Quảng Bình. Vợ liệt sĩ Phương là chị Mai Thị Hoa, con gái là Trần Thị Thủy.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy vô Cam Ranh với hy vọng là được ra Trường Sa, thăm lại nơi bố mình đã ngã xuống. Rồi tâm nguyện ấy đã thành hiện thực. Hai lần ra Trường Sa trong năm 2010 là hai lần Thủy đẫm nước mắt. “Ngang qua các đảo thuộc cụm Sinh Tồn, nhìn về Gạc Ma xa xa, tôi như thấy ba mình đang vẫy tay chào tất cả mọi người lúc làm lễ tưởng niệm và rắc hoa tươi xuống biển. Chắc là ba đã biết trong đoàn người ra đảo hôm ấy có cả con gái của ông nữa”, Thủy nói. Ký ức về cha của Thủy là một tấm ảnh nhòe mờ với khuôn mặt hiền từ cùng một ngôi sao trên mũ và một nụ cười trẻ trung. Ba Thủy ra đi khi ông vừa tròn 23 tuổi. Lần theo dấu chân của cha mình trước lúc hy sinh tại Gạc Ma, tình cờ Thủy gặp anh lính trẻ hải quân Nguyễn Hồ Hải, người cùng quê, hiện công tác tại Cam Ranh. Họ đã có với nhau một bé gái gần hai tuổi.

Cả một thời xuân sắc của những người phụ nữ này đã trôi qua trong buồn đau, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, chị Đỗ Thị Hà, chị Mai Thị Hoa vẫn có quyền tự hào rằng mình đã thực hiện trọn vẹn mong ước của những người đã ngã xuống khi đã một mình nuôi dạy các cháu nên người.

Tiếp tục chương trình "Tri ân liệt sĩ Gạc Ma", ngày 29.5, đại diện Báo Thanh Niên đã về thăm và trao 60 triệu đồng cho người thân 3 liệt sĩ Võ Đình Tuấn, Trần Văn Phương và Đinh Ngọc Doanh tại tỉnh Khánh Hòa, mỗi gia đình 20 triệu đồng. Đây là số tiền mà các nhà tài trợ Tập đoàn công nghiệp cao su VN, Ngân hàng TMCP Đầu tư - phát triển (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ VN, thông qua Báo Thanh Niên, tặng cho gia đình 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988.

Trần Đăng - Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.