|
25 năm qua, chị Trần Thị Ninh vẫn đằng đẵng đợi chồng dù biết anh không trở về. Năm 1981, vợ chồng chị cưới nhau. Năm 1982, anh Phan Huy Sơn lên đường nhập ngũ và nhận nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây. Ngày đứa con đầu lòng chào đời, anh Sơn vẫn còn biền biệt nơi đảo xa. Cuối năm 1987, anh Sơn về phép thăm nhà. Chưa hết phép, anh nhận được lệnh phải quay lại đơn vị gấp. Đó là thời điểm chuẩn bị cho đứa con thứ hai của anh chị ra đời. Trước khi đi, anh Sơn hứa đến tháng 8 năm sau sẽ về phép để chăm sóc mẹ con chị. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng chị được nhìn thấy mặt chồng. Chưa đầy hai tháng sau thì tin dữ ập về. Đài tiếng nói VN loan tin buồn anh Sơn cùng các chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự xâm lược của quân Trung Quốc.
|
Buổi gặp mặt của những người cùng chung nỗi đau mất con, mất chồng trong trận hải chiến chống quân xâm lược được tổ chức tại trụ sở Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Khoảng cách địa lý không xa, có những người ở cùng huyện, nhưng những người có cùng nỗi đau này ít khi có dịp gặp nhau. Cụ Lưu Thị Mỹ, 82 tuổi, ở xã Nghi Tiến, H.Nghi Lộc nói cụ biết trong trận chiến giữ đảo năm ấy, một số đồng đội với con của cụ cùng người Nghệ An cũng đã hy sinh, nhưng không biết cụ thể nhà ở đâu, nên muốn gặp nhau cũng khó.
Trong ký ức của những người mẹ, hình ảnh đứa con vẫn còn nguyên vẹn dù các anh đã ra đi cách đây 25 năm tròn. “17 tuổi, hắn đã xung phong nộp đơn đi bộ đội, tui can cũng không được. Hắn nhỏ con nhưng khỏe lắm”, cụ Mỹ kể về liệt sĩ Hồ Văn Nuôi.
“Thằng Minh nhà tui đi năm tám mốt (1981), là máy trưởng trên tàu, tết năm 87 hắn về nghỉ phép nhưng chưa hết phép lại đi, nói con đi vì ở đơn vị có nhiệm vụ gấp. Nửa tháng sau hắn viết thư về nói con phải ra đảo, mẹ ở nhà cứ an tâm, về con sẽ biên thư về cho mẹ, nhưng hắn đi rồi hy sinh”, cụ Lê Thị Nguyên, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Minh, nhớ lại…
Chia sẻ với thân nhân các liệt sĩ, ông Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí VN, nói món quà tuy nhỏ không thể sánh được với sự mất mát quá lớn đối với các mẹ, các chị nhưng là tấm lòng thành, tri ân của những người đang sống đối với sự hy sinh của các liệt sĩ.
Khánh Hoan
>> Gặp lại Trường Sa, nhớ về Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Em trai liệt sĩ Gạc Ma có việc làm
>> Gặp lại mẹ liệt sĩ Gạc Ma
>> Trao quà cho 9 gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma
Bình luận (0)