Nhắc đến người con đã hy sinh giữa mênh mông sóng nước Trường Sa để bảo vệ Tổ quốc, ông Lê Văn Thăng (bố của liệt sĩ Lê Đức Hoàng) không giấu được xúc động. Những hồi ức về người con thông minh và kiên nghị lại ùa về khi ông lần dở những trang nhật ký, cùng những tấm ảnh đã úa vàng của anh Hoàng cho chúng tôi xem. “Hoàng là người thông minh và rất có ý chí. Vì là con cả trong nhà lên nó luôn nỗ lực vươn lên để các em noi theo. 8 năm vào bộ đội thì 7 năm Hoàng đi học ở nước ngoài, nên chỉ về phép được hai lần và chưa thể tính chuyện lập gia đình.
|
|
Sau ngày nó hy sinh, gia đình mới nhận được thư của Hoàng. Lá thư được viết trước khi Hoàng lên đường ra đảo 1 ngày. Trong thư Hoàng nói đã được cấp trên cho nghỉ phép từ đầu tháng 3, tàu HQ 604 cũng đã lên ụ để bảo dưỡng, nhưng vì có nhiệm vụ gấp ngoài Trường Sa, nên cả tàu lại chuẩn bị lên đường. Hoàng còn dặn sau chuyến công tác này sẽ về phép vì nhớ bố mẹ và các em quá… Vậy mà. Nó đi mãi và không bao giờ trở về nữa. Bà nhà tôi vì quá nhớ thương con nên đã lâm bệnh nặng rồi cũng mất sau đó mấy năm…”, ông Thăng bùi ngùi.
Năm 1980 ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, mặc dù thi đậu vào ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng Lê Đức Hoàng đã không ra Hà Nội nhập trường mà xung phong vào bộ đội. Lúc đầu bố mẹ anh cũng khuyên nhủ lên chọn nghề giáo cho đỡ vất vả, nhưng trước sự cương quyết của Hoàng, cũng như tôn trọng khát vọng phụng sự Tổ quốc theo con đường binh nghiệp của con, nên bố mẹ anh cũng đồng ý để anh vào bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện Hoàng được đơn vị tuyển chọn đi học ngoại ngữ và sau đó được nhà nước cử đi học lớp sĩ quan chỉ huy, chuyên ngành hải quân ở Bulgaria.
Năm 1987, sau 7 năm học tập ở nước bạn, anh trở về nước và được điều động làm thuyền phó tàu HQ 604 của Lữ đoàn 125, Hải quân Việt Nam. Tại đây anh đã cùng với đồng đội trực tiếp ra Trường Sa để xây dựng và bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 14.3.1988, anh đã hy sinh khi đang cùng đồng đội bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu trước sự xâm chiếm trắng trợn và hung bạo của quân Trung Quốc.
Sáng cùng ngày, tại lễ ra quân hưởng ứng tháng Hành động hè 2012 và tổ chức các hoạt động “Hướng về biển đảo” do Huyện đoàn H.Tĩnh Gia tổ chức, đại diện Báo Thanh Niên đã trao tặng 20 triệu đồng của bạn đọc tri ân các liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988 cho chị Cao Thị Bình (vợ của liệt sĩ Hồ Công Đệ ở xã Hải Thượng, H.Tĩnh Gia). Anh Đệ hy sinh khi đang là bác sĩ phục vụ trên con tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma ngày ấy. |
Cao Ngọ - Ngọc Minh
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
Bình luận (0)