Bà Lê Thị Phượng, mẹ liệt sĩ Kiều Văn Lập, xúc động ôn lại chuyện cũ. Bà Phượng năm nay 81 tuổi, mắt mờ và chân đã chậm nhưng giọng nói vẫn còn hào sảng khi nhắc đến người con trai đang còn nằm lại dưới biển khơi. “Hơn 20 năm qua rồi nhưng mỗi lần nhắc lại, lòng mẹ đau lắm, xót lắm các con ơi. Nhiều đêm mẹ vẫn mơ thấy nó về thăm, ghé vào tai mẹ mà dặn dò, mà thì thầm trò chuyện…”, bà Phượng ngậm ngùi kể.
|
Anh Lập vào bộ đội năm 1978, từng được cử sang Ba Lan học chuyên ngành đóng tàu, nhưng có nguyện vọng ở lại trong quân đội nên đã nhường suất học cho đồng đội. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, anh Kiều Văn Hùng (em liệt sĩ Kiều Văn Lập) kể từ lúc ở nhà, anh Lập là người sống kỷ luật, ngăn nắp và rất mê đọc sách. Buổi sáng, anh Lập thường “khua” các em dậy từ 4 - 5 giờ để cùng nhau học bài. Gần 10 năm nhập ngũ, anh Lập về phép lần nào ba lô cũng đầy sách mang về chia cho các em. Trước ngày hy sinh khoảng 1 tháng, anh có gửi thư về. “Trong thư, anh chỉ bóng gió rằng đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ quan trọng và động viên bố mẹ an lòng”, anh Hùng nhớ lại. Gia đình nhận tin anh Lập hy sinh vào sáng sớm. Lúc ấy, bố anh đang ngồi uống nước nghe đài. Phát thanh viên đọc qua tên anh Lập, ông lặng người đi vì quá bất ngờ và xúc động, sau đó suy sụp hoàn toàn, ốm li bì. Nhưng khi khỏe lại, ông dắt anh trai Kiều Văn Hà đang là bộ đội phục vụ trong đoàn quân nhạc, lên huyện đội nằng nặc xin cho anh Hà tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ. Các anh ở huyện đội phải động viên mãi ông mới chịu ra về. Cũng vì suy nghĩ quá nhiều, ông cụ bị tai biến mạch máu não rồi qua đời không lâu sau đó…
|
Còn tại gia đình liệt sĩ Trần Văn Bảy, câu chuyện về anh được thân nhân kể lại trong nước mắt. Di ảnh anh Bảy treo dưới hai người anh trai hy sinh cùng năm 1968 tại mặt trận phía nam, nổi bật với khuôn mặt trẻ măng, nụ cười hiền hậu trong chiếc áo người lính hải quân. Sinh năm 1966, anh Bảy hy sinh cùng tàu 604 ở Gạc Ma. Đôi mắt ngấn lệ vì xúc động, anh cả Trần Đức Thịnh kể rằng, vài năm sau sự kiện 14.3.1988, gia đình tìm gặp một người đồng đội cùng chiến đấu trên tàu 604 bị phía bên kia bắt làm tù binh mới được trao trả. Đồng đội kể lúc địch bất ngờ tấn công, Bảy đứng trên đài chỉ huy cùng thuyền trưởng. Khu vực này trúng đạn ngay trong loạt bắn đầu tiên, Bảy bị thương nặng ở phần ổ bụng rồi chìm theo thân tàu. Bảy nhập ngũ tháng 2.1985, đi một mạch, chưa một lần về phép. Anh em chỉ gặp nhau một lần, vào khoảng tháng 10.1986, khi đó Bảy theo tàu ra Hải Phòng lấy hàng có nhắn hai anh ra thăm.
Anh Thịnh chia sẻ, bố mẹ sinh được 8 anh chị em thì có 4 người vào bộ đội, trong đó 3 người hy sinh, 1 người là thương binh. Năm 1994, mẹ anh - bà Trần Thị Vạo được nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà đã qua đời 2 năm trước khi tâm nguyện tìm hài cốt các con vẫn chưa thành. “Bảy hy sinh ngoài biển đã đành, 2 em tôi hy sinh trên cạn hiện bây giờ cũng chưa tìm thấy hài cốt. Nhà có 3 liệt sĩ mà chẳng ai còn hài cốt để dựng một nấm mồ. Bao năm nay, anh em trong nhà vẫn dò hỏi khắp nơi tìm kiếm, chỉ mong được đón các em về để hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ trước khi qua đời…”, anh Thịnh ngậm ngùi.
Ủng hộ chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma 13 triệu đồng Xúc động trước loạt bài Tri ân liệt sĩ Gạc Ma đăng trên Thanh Niên, sáng 5.6, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai (H.Bến Cát, tỉnh Bình Dương), đến tòa soạn Báo Thanh Niên ủng hộ 10 triệu đồng. Ông Trọng tâm sự: “Tôi đánh giá rất cao ý nghĩa nhân văn của chương trình này và vô cùng cảm kích trước sự hy sinh thân mình cho độc lập dân tộc của các liệt sĩ. Số tiền đóng góp không lớn nhưng với tôi đó là một sự tri ân những cống hiến thầm lặng của các anh để tổ quốc hôm nay được bình yên”. Trước đó, bà Ngô Thị Thu Hương (Q.3, TP.HCM) cũng gửi tặng gia đình các liệt sĩ Gạc Ma 3 triệu đồng. Công Sơn |
Phan Hậu
>> Tri ân các liệt sĩ Khánh Hòa hi sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Mẹ tự hào về con
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Về quê hương anh hùng Trần Văn Phương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Khát vọng phụng sự Tổ quốc
Bình luận (0)