Trị dứt ung thư di căn nhờ 'bơm 82 tỉ tế bào bạch cầu vào máu'

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/06/2018 15:30 GMT+7

Một người phụ nữ Mỹ bị ung thu vú di căn và không còn cách nào khác ngoài chờ chết. Bà quyết định thử một liệu pháp miễn dịch mới bằng cách bơm 82 tỉ tế bào bạch cầu vào máu. Đến nay, bà đã hết ung thư.

Bà Judy Perkins, 52 tuổi, là một kỹ sư sống ở bang Florida (Mỹ). Bà bị chẩn đoán ung thư vú vào năm 2003. Bất chấp mọi nỗ lực điều trị, căn bệnh ung thư vẫn tiến triển, di căn và lây lan khắp cơ thể, theo Daily Mail.
Khi ung thư di căn đến các hạch bạch huyết ở ngực và bụng, hình thành khối lớn bằng trái mận ở gan, bà Perkins biết mình sắp chết và đã lập một danh sách những nơi cần đến trước khi lìa đời.
“Tình trạng sức khỏe tệ đi đến mức tôi có thể cảm nhận dược khối u đè lên dây thần kinh. Nó khiến tôi không dám cứ động để tránh nhưng cơn đau như thể bị đạn bắn vào tay. Tôi đã từ bỏ cuộc chiến với bệnh tật”, bà kể lại. Thậm chí, bà đã dùng đến morphine và nhiều loại thuốc khác để giảm đau.
Bà Perkins chỉ còn lựa chọn cuối cùng là tham gia thử nghiệm điều trị bằng một phương pháp mới. Đầu tiên, các nhà khoa học đã phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư của bà Perkins để xác định những đột biến di truyền gây ung thư. Mỗi người thường sẽ có những đột biến di truyền khác nhau, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học phát hiện được 62 đột biến. Trong số đó, các tế bào bạch cầu có thể tìm kiếm và tiêu diệt 4 đột biến. Để tăng cường sức mạnh tiêu diệt ung thư của hệ miễn dịch, nhóm nghiên cứu đã nuôi hàng trăm tế bào sát thủ T trong phòng thí nghiệm.
Tế bào T là loại tế bào bạch cầu có chức năng tiêu diệt mầm bệnh khi chúng tấn công cơ thể. Sau 8 tuần, chúng phát triển thành một đội quân với 82 tỉ tế bào.
Sau đó, số tế bào này được tiêm vào cơ thể bà Perkins. Phương pháp điều trị trên bắt đầu được thực hiện vào tháng 12.2015 và nó đã thành công.
Giờ đây, bà Perkins đã hết ung thư được 2 năm. Liệu pháp miễn dịch mang tính cách mạng này là do Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ thực hiện.
“Chỉ trong 2 tuần, tôi có thể cảm nhận được các khối u ở ngực co lại và cảm thấy sức khỏe được cải thiện. Các bác sĩ hết sức vui mừng trước kết quả. Họ thực sự đã nhảy cẫng lên hạnh phúc”, bà Perkins kể lại.
Liệu pháp miễn dịch này lần đầu tiên được áp dụng và bà Perkins là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi nhờ nó. Liệu pháp này được các nhà khoa học tạm gọi là “chuyển giao tế bào nuôi cấy”. Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ được áp dụng trên số lượng bệnh nhân lớn hơn trong vòng 5 năm tới.
Trường hợp điều trị của bà được đăng trên tạp chí y học uy tín Nature Medicine. Nó cũng được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, theo Daily Mail.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.