Trí thông minh nhân tạo tự làm game

15/01/2014 19:19 GMT+7

Cho đến hiện tại, trí thông minh nhân tạo ANGELINA đã tạo ra được 35 - 40 tựa game thuộc các thể loại khác nhau và tất cả đều có thể chạy tốt.

Michael Cook, một nghiên cứu sinh ở đại học Goldsmiths College, đồng thời cũng là một sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Imperial College (Anh) đã bắt đầu dự án ANGELINA (viết tắt của “A Novel Game-Evolving Labrat I’ve Named ANGELINA”) từ năm 2010. Ý tưởng của dự án này xuất hiện khi Cook đột nhiên muốn làm game sau khi xem qua chương trình The painting fool của Simon Colton về một A.I (trí thông minh nhân tạo) có thể tự vẽ tranh.

Cả hai dự án này đều xuất phát từ những ý tưởng tương đồng. Nếu Colton muốn một ngày nào đó The painting fool sẽ được công nhận là một họa sĩ, thì Cook thiết kế ANGELINA để trở thành một chuyên viên thiết kế game thứ thiệt. Bản thân ý tưởng này đã là một thử thách rất khó khăn: tạo ra một phần mềm mà tự nó có thể hiểu và tương tác được với văn hóa của loài người.

Michael Cook đang trình diễn những tựa game do ANGELINA tạo ra (Ảnh: Gamesbyangelina)

Cook chia sẻ rằng, con người đặt giá trị cao cho việc tư duy sáng tạo. Nhưng ANGELINA thì lại không được như vậy, bởi lẽ không phải game nào cũng cần phải có bàn tay con người nhúng vào - hãy thử tưởng tượng và đặt lên bàn cân 2 tựa game Tetris và The last of us thì bạn sẽ hiểu. “Khi chúng ta biết rằng một thứ do con người tạo ra, chúng ta có thể cảm nhận được rằng nó có cảm xúc, có hy vọng, có ước mơ, và trên hết, có cha mẹ”.

Tuy vậy, trí thông minh nhân tạo có những thế mạnh mà con người không có. Bằng cách tận dụng những ưu điểm này trong một phần mềm sáng tạo chúng ta sẽ có cơ hội được tiếp xúc với những ý tưởng và kỹ thuật mà những thiết kế con người không thể nghĩ ra.

ANGELINA hoạt động bằng cách thực thi những mẫu lệnh và chỉ số mà Cook đã nhập vào. Mặc dù ANGELINA tự sử dụng các đoạn mã lập trình để tạo ra game và tìm kiếm trong hệ thống các dữ liệu về hình ảnh và âm thanh, nhưng bản thân chương trình này có khả năng tiếp thu và tiến hóa.

Tiến hóa theo cách mà sự tiến hóa trong tự nhiên vẫn diễn ra – sau nhiều lần các sự kiện ngẫu nhiên được tạo ra, chúng sẽ được sàng lọc và đào thải để đảm bảo chỉ những dữ liệu tốt nhất được bảo lưu lại và tiến trình này sẽ lặp đi lặp lại. ANGELINA sử dụng phương pháp này để thiết kế các màn chơi, cũng như sắp đặt vị trí của kẻ địch sao cho hợp lý," Cook giải thích.

Một trong số các game mà ANGELINA tạo ra (Ảnh: Gamesbyangelina)

ANGELINA càng hoạt động lâu dài thì nó càng ít cần Cook phải ra lệnh. Nếu Cook từng phải tự tay chọn các dữ liệu hình ảnh cho 1 tựa game, thì giờ đây ANGELINA đã có thể tự xử lý vấn đề này. Cho đến hiện tại, ANGELINA đã tạo ra được 35 - 40 tựa game thuộc các thể loại khác nhau và tất cả đều có thể chạy tốt. Cook cho biết nếu tính luôn cả số game bị hỏng, chưa hoàn thành hoặc bị loại bỏ do kém chất lượng, tổng số game mà ANGELINA đã làm ra phải vượt quá con số 100.

Trong tương lai, Cook dự định sẽ dạy cho ANGELINA cách tự viết những đoạn mã riêng của nó và nâng cao chất lượng game mà nó có thể tạo ra. Cook chia sẻ: “Bây giờ người ta chia sẻ các tựa game của ANGELINA vì bản thân ANGELINA là một sáng kiến rất mới lạ. Nhưng một ngày nào đó họ sẽ chơi các tựa game này vì bản thân các tựa game đó hay tuyệt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.