Lý thú đầu tiên là tựa sách: Cánh chim trong gió (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản) - trích tưởng nhớ diễn viên, ca sĩ Trương Quốc Vinh - như báo hiệu một nội dung đầy cảm xúc. Sau cái tựa lả lướt như thơ là các tựa cho phần 1 - Điện ảnh VN độc đáo và đáo để: Xứ sở sợ hãi kỳ cục và chốn tận cùng của thế giới, Chàng trai năm ấy và tuổi trẻ để dành, Vòng eo 56: cổ tích lấm lem & kẻ vượt qua sinh mệnh, Cha và con và... tuổi trẻ vô minh... Với những bình luận trực tâm, duyên dáng, bất khoan nhượng, phần 1 còn cho thấy Lâm xem nhiều, đúng như nhà sáng lập Bảo tàng Điện ảnh Pháp Henri Langlois nói: “Cần phải xem các phim dở để hiểu tại sao các phim khác hay, và hay ở chỗ nào”.
Phần 2 - Điện ảnh quốc tế là những tiểu tựa gây rung cảm: Norwegian Wood - Còn tuổi nào cho em?, Departures - Khúc nhạc tiễn đưa, Anomalisa - Ta chết trong nhau bao giờ?... Đặt tên “Sức mạnh của nhân phẩm” cho phần này, Lâm đã nhận/chọn ra những tác phẩm tôn vinh nhân phẩm nhân loại. Câu chữ của Lâm cảm động, thấu đáo, đáng tin vì toát ra từ những trải nghiệm thiết thân, sâu thẳm; như khi Lâm nói về phim 37 độ 2 buổi sáng và sách Rừng Na Uy: “Cả hai đến với tôi khá tình cờ, tất nhiên cũng phải sau gần hai mươi năm khi chúng ra đời, đều trong những năm tháng tuổi hai mươi cũng ít nhiều lạc lối. Tôi đọc Rừng Na Uy trong một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về quê và xem 37 độ 2 buổi sáng trong một ngày tháng 8 nóng như rang ở căn hộ cũ kỹ ở Hà Nội, thật không có gì hợp bằng. Cả hai, đều như một liều thuốc (cực mạnh) giải phóng năng lượng, giải phóng tinh thần, giải phóng cơ thể trong những năm tháng đó. Vì thế mà chúng nằm lại mãi trong ký ức”.
|
Nhưng Lâm không chỉ xem bằng cảm xúc mà cả am tường: “Đoạt hai giải thưởng lớn, Quả cầu vàng và Oscar, với cùng hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 2010, In a Better World không hẳn đột phá về mặt điện ảnh, nhưng câu chuyện giàu kịch tính và có sức lay động lớn, cùng với những thông điệp mang tính toàn cầu khiến bộ phim Đan Mạch của nữ đạo diễn Susanne Bier gần gũi với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, dù đó là châu Phi nghèo đói, lạc hậu tăm tối, hay châu Âu văn minh nhưng ẩn chứa bên trong những bất ổn dễ gây bùng nổ...”.
Lâm xem phim nhẫn nại, tha thiết, nên đôi khi ta nghe thấy tiếng reo, như Lâm nói về phim A Pigeon Sat On a Branch Reflecting on Existence của Roy Andersson: “Thi thoảng xem được một cái phim quái đản, vượt ra khỏi mọi khuôn phép, chuẩn mực của điện ảnh hiện đại quả là sướng”. Hoặc tiếng rên: “Phim này, nói thật, phải xem đến bốn lần mới xong (...), ở bốn thời điểm khác nhau và hầu như không nắm bắt được gì ở bốn lần xem đó. Nhưng, ngay khi vượt qua được đòn tra tấn não bộ, thì muốn xem lại ngay lập tức. Và lần này xem một mạch, trọn vẹn và sướng”. Đọc Lâm, ta sẽ nhận thêm nhiều nhánh thông tin liên đới, như bữa cơm ngon đủ chất được trình bày đẹp.
Nếu như hai phần đầu làm tôi bất ngờ về giọng văn trực cảm, thì phần 3 là cú “twist” khiến tôi tưởng mình đang đối diện một Lâm khác. Đặt tên “Cảm hứng điện ảnh: Tất cả chúng ta rồi cũng chết!”, Lâm như tiên báo một u ám. Và ngay bài đầu tiên: Trường hợp của Luyện: In Cold Blood của Việt Nam?”, Lâm đã đưa ta từ thực tế tội ác đẫm máu qua những sách, những phim quy chiếu vào cái ác vô căn, như cách mượn câu nói của nhân vật Perry Smith trong In Cold Blood để lý giải cho trường hợp của Luyện: “Tôi không có gì chống lại họ hết, và họ cũng chưa từng làm gì xấu với tôi. Có lẽ họ chẳng may là những người phải trả giá cho cuộc đời (ăn chơi nghiện ngập) bất hạnh của tôi thôi”.
Sau các bài Khi sự hèn nhát là bước khởi đầu của tội ác về phim Thị xã trong tầm tay, Hãy treo mông chúng nó lên, Quyền lực mềm, văn hóa tẩy chay... thì gần như không còn phim, chỉ còn cảm hứng điện ảnh, đúng hơn, chính kiến của Lâm trong vận thời đất nước. Kêu gọi mọi người đừng mất công tẩy chay, chửi bới các ngôi sao Trung Quốc ủng hộ đường lưỡi bò, Lâm viết trong Ngôi sao và chính trị: “Chúng ta không thể trách những kẻ không liên quan đến vận mệnh đất nước ta (...). Chúng ta hãy trách những kẻ có sức ảnh hưởng, có tiếng nói mà không dám lên tiếng cho chính quê hương chúng ta”. Rằng thay vì tẩy chay khách du lịch Trung Quốc, dừng chiếu phim của họ - những cách phản ứng yếu ớt có phần tội nghiệp, “Hãy biết tôn vinh và bảo vệ những giá trị Việt. Bởi, nước họ mạnh không đáng sợ bằng nước ta yếu”. Lâm đặt câu hỏi tại sao chúng ta không nghĩ đến quyền lực mềm của VN? Rằng đây là chiến lược dài hơi cần sự chung sức của tất cả mọi người. “Bởi: Khi chúng ta mạnh chúng ta chẳng sợ kẻ “ngáo ộp” nào cả”.
Không phải vô cớ Lâm viết hoa hai lời “hịch” kết sách, trong một cấu trúc thôi miên độc giả từ nỗi buồn điện ảnh, nỗi đau nhân thế sang nỗi đau đất nước. Xao lòng mạnh trước Lâm công dân bên cạnh Lâm nhà báo chuyên điện ảnh, tôi thốt mơ một ngày thấy Lâm thành nhà biên kịch/đạo diễn. Tại sao không?
Bình luận (0)