Hội thảo về AI của FPT diễn ra từ ngày 17 - 21.8 quy tụ sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI trên thế giới và Việt Nam: "Bố già AI" Yoshua Bengio; GS Hồ Tú Bảo; PGS-TS Truyền Trần; PGS-TS Trần Thanh Long và Nguyễn Hoàng Bảo Đại - 1 trong 3 người Việt đầu tiên được công nhận là Chuyên gia phát triển của Google (Goolge Developer Expert).
AI là xu hướng - dấn thân khi chưa muộn
Founder Got It Trần Việt Hùng - gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp, một trong những Founder Việt hiếm hoi tại Thung lũng Silicon (Mỹ) - khẳng định AI là một xu hướng và dần dần sẽ phủ tất cả mọi vấn đề quanh ta, không thể tránh được. Anh cũng cho rằng, để theo đuổi lĩnh vực này và bắt kịp với thế giới thì hiện nay chưa phải là muộn, nhưng cần sự dấn thân.
Đánh giá về triển vọng của AI so với các ngành khác, nhà sáng lập Got It cũng cho rằng, trong một nhóm xây dựng sản phẩm, số lượng kỹ sư AI không cần nhiều, mà cần giỏi. Công việc thách thức nhưng kỹ sư AI được làm những việc thú vị, thu nhập cao, có cơ hội làm việc với các công ty, đối tác nước ngoài, thậm chí ngay khi ở Việt Nam. “Nhưng trình độ phải ngon, làng nhàng thì không có việc đâu”, Trần Việt Hùng chia sẻ.
Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay cũng có cơ hội để rút ngắn con đường vươn ra toàn cầu với các chương trình đào tạo và hỗ trợ từ FPT. Đại diện FPT tại hội thảo chia sẻ, hiện nay Tập đoàn đang góp sức để xây dựng Bình Định thành trung tâm AI hàng đầu của Việt Nam và tiếp đến là của khu vực và thế giới. FPT đã hợp tác với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới là Mila, tính từ năm ngoái đến nay đã có 17 chuyên gia công nghệ trẻ (AI Residents) được tiếp cận với các chương trình đào tạo/nghiên cứu của các giáo sư hàng đầu tại Mila.
Kinh nghiệm và quy trình làm dự án AI
Với kinh nghiệm thực chiến, các chuyên gia FPT đã chia sẻ chi tiết từ chính quá trình triển khai các dự án và sản phẩm tại công ty đã viết nên những chữ AI đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học dữ liệu FPT Telecom Võ Thị Hồng Phương, thông thường một dự án cần trải qua 7 bước. Đầu tiên, cần xác định bài toán, hiểu rõ yêu cầu và đưa ra bộ đánh giá cho bài toán. Thứ hai, thu thập tất cả dữ liệu liên quan từ nội bộ và bên ngoài. Thứ ba là làm sạch dữ liệu cũng như khai phá những thông tin, thuộc tính, đặc điểm có thể giúp giải bài toán và đưa vào được các model (mô hình). Tiếp theo, chọn model phù hợp, hiệu quả nhất. Sau khi đào tạo, kiểm thử nhiều lần, bước cuối là kiểm tra trước khi triển khai xây dựng sản phẩm, tích hợp vào hệ thống.
|
Về cơ bản, dự án AI cần ít nhất 3 vị trí: data engineer (kỹ sư dữ liệu) chịu trách nhiệm xử lý các dữ liệu, xây nền dữ liệu cho hệ thống; data analyst (chuyên viên phân tích dữ liệu) đảm nhận phân tích dữ liệu và data scientist (kỹ sư khoa học dữ liệu) hỗ trợ xây dựng model.
Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT Trần Thế Trung cho hay, trong 3 năm tới, định hướng của Viện là phát triển nhanh, nhiều, mở rộng ứng dụng AI cho đa dạng ngành nghề. Anh Trung đồng thời nhấn mạnh điểm chiến lược là kết hợp giữa người và máy, để cung cấp giải pháp cho cả con người và máy móc cùng tham gia.
Trong 2 năm qua, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI do FPT phát triển đã có nhiều dịch vụ miễn phí, đem đến cơ hội sử dụng những công nghệ mới nhất cho cộng đồng. Qua đó đặt nền móng phát triển mảng thị trường phổ thông.
Trong những năm tới, FPT.AI sẽ nỗ lực để tiếp tục dẫn đầu, đưa ra các bộ giải pháp không chỉ ứng dụng chung cho các công ty mà đi sâu từng mảng khác nhau, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dùng nâng cao năng suất lao động.
"Chúng tôi đang cần sự hỗ trợ của tất cả các bạn. Có rất nhiều vị trí AI đang khuyết thiếu để phát triển nên sản phẩm chất lượng. Những ai yêu thích khoa học có thể tham gia nghiên cứu, học machine learning, nghiên cứu các thuật toán khoa học, có thể làm kỹ sư AI, hay lập trình, xây dựng nền tảng…", anh Nguyễn Thượng Tường Minh, Giám đốc sản phẩm FPT.AI, gửi gắm.
Bình luận (0)