Triển khai hàng ngàn điểm 'uống nước tại vòi'

21/01/2021 08:26 GMT+7

Theo đề án vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, TP sẽ có tổng công suất hệ thống cấp nước là 2,9 triệu m 3 /ngày đêm từ nguồn nước ngầm , đồng thời giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch còn 18%.

Riêng về việc thí điểm cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng đến năm 2025, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, vật liệu dùng trong ngành nước và quy trình kiểm soát. TP dự kiến lắp đặt 1.500 - 2.000 vị trí lắp đặt nước uống tại vòi theo đề xuất của UBND các quận, huyện. Cơ quan thực hiện công tác nước uống tại vòi gồm: Sở Y tế, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn và Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn.
Uống nước tại vòi là mô hình đã phổ biến từ lâu trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Singapore… Tại VN, những trụ nước sạch uống tại vòi xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây, bắt đầu từ những sân bay và mới nhất đã có mặt trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Hà Nội.
Một lãnh đạo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) từng chia sẻ với Thanh Niên: Chất lượng nước tại các nhà máy nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp, nhưng đến người sử dụng một số chỉ tiêu chất lượng nước chưa đảm bảo như hàm lượng chất khử trùng chlorine... do hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, thời gian lưu nước trên mạng lưới không đồng đều...
Sở dĩ ở một số nước người dân có thể uống nước tại vòi vì hệ thống đường ống ở những nước này có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Chẳng hạn, Singapore đã trang bị toàn bộ hệ thống đường ống bằng inox. Nguồn nước ở Singapore do Bộ Quốc phòng quản lý.
Trong khi đó, TP.HCM có hơn 4.000 km đường ống cấp nước nhưng chiếm đến gần một nửa là đường ống cũ, mục được lắp đặt từ thời Pháp, có tỷ lệ rò rỉ nước rất lớn. Vì vậy, để người dân có thể uống nước tại vòi, đòi hỏi phải cải tạo gần như toàn bộ hệ thống, rất khó thực hiện trong điều kiện hiện tại do nguồn kinh phí rất lớn. Chưa kể, để người dân sử dụng nước tại vòi đòi hỏi áp lực nước trên hệ thống phải mạnh và ổn định.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng để triển khai mô hình uống nước tại vòi, TP.HCM không cần thay mới, cải tạo toàn bộ hệ thống hiện hữu vì rất tốn kém. Thay vào đó, chỉ cần đầu tư một hệ thống riêng công suất nhỏ. Nước thô vẫn được lấy, xử lý theo đúng quy trình hiện nay, sau đó chuyển qua hệ thống ống dẫn riêng này tới những trụ nước uống tại vòi. Sau đó, dần dần cải thiện hệ thống đường ống dẫn hiện hữu theo nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.