Bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn sau biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885 từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris. Bản cổ thư được thư viện Anh quốc sưu tập rồi trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Bản Truyện Kiều chép tay được triển lãm lần này được scan và trình bày thuyết minh lại từ tác phẩm Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc (NXB Lao động, 2017) của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo.
TS Nguyễn Phước Hải Trung thuyết minh bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn |
Lê Hoài Nhân |
Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đây là bản Truyện Kiều chép tay được thực hiện vào thời Tự Đức (trị vì từ 1847 - 1883) và nhiều khả năng cũng là thủ bút của vị vua có tài văn chương này.
Bản Truyện Kiều có đầy đủ các đặc điểm nổi bật phù hợp với phong cách cung đình triều Nguyễn. Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Đây cũng là tác phẩm sách độc bản, cực kỳ quý hiếm, được thực hiện rất công phu với các phần chữ Hán, chữ Nôm và đặc biệt là tranh minh họa tương ứng với từng trang được vẽ rất chi tiết. “Đây là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại ở Việt Nam”, TS Nguyễn Phước Hải Trung nhìn nhận.
Bình luận (0)