Xu hướng cải thiện rõ qua từng tháng
Nhận định trên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 tổ chức ngày 19.6.
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn cũng đang sẵn sàng nguồn lực và lợi thế để dẫn dắt đà tăng trưởng chung trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng nửa cuối năm.
Tại hội nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cập nhật một số thông tin về diễn biến tăng trưởng tín dụng gần đây. Nếu như đến cuối tháng 5.2024 tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới chỉ 2,41% so với cuối năm 2023, thì đến ngày 14.6 đã đạt 3,79%, có hướng bứt mạnh lên chỉ sau nửa tháng.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cải thiện dần qua các tháng; và đáng chú ý, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Tuy vậy, Nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. "Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân", Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Nhưng về tổng thể, cùng với xu hướng cải thiện qua từng tháng, Ngân hàng Nhà nước nhận định, từ nay đến cuối năm, những chỉ đạo quyết liệt và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan các tháng cuối năm. Qua đó, ngành ngân hàng sẽ gia tăng động lực góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Định hình những đầu tàu tăng trưởng
Triển vọng chung khả quan, song động lực tăng trưởng trong hệ thống các NHTM đang có những phân hóa sâu sắc. Vai trò dẫn dắt tăng trưởng theo đó được kỳ vọng ở những nhà băng đang chủ động nguồn lực lớn với các cân đối thuận lợi.
Dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư địa tăng trưởng hay sức nâng tín dụng của hệ thống nhìn chung không còn quá dồi dào. Cập nhật đến 30/4/2024, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống ở mức 79,15%, nhưng tại cả khối NHTM cổ phần lẫn NHTM nhà nước đều khá cao, từ 82-83%, gần ngưỡng giới hạn 85%.
Ở một chỉ tiêu khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 28,28% tại 30.4.2024, tiệm cận giới hạn tối đa 30% quy định.
Đáp ứng những giới hạn an toàn trên, điểm thuận lợi đang tập trung ở một số NHTM cổ phần lớn, khi đến cuối quý 1/2024 tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi đều nằm sâu dưới ngưỡng 85%, thậm chí như HDBank chỉ gần 71%. Không gian tăng trưởng theo đó còn rộng lớn.
Cùng đó, những trường hợp như HDBank, ở những kỳ cập nhật báo cáo tài chính gần đây đều cho thấy một cân đối nguồn thuận lợi, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giữ trong khoảng 20-25%, "tài nguyên" ở đây còn dồi dào để tạo lợi thế cho tăng trưởng.
Cũng theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM hiện đang phân hóa mạnh, chênh lệch lớn giữa các thành viên. Điều này có ảnh hưởng tới vai trò dẫn dắt tăng trưởng thời gian tới. Cụ thể, tính đến ngày 30.4.2024, CAR của khối NHTM nhà nước (theo Thông tư 41, Basel II) chỉ ở mức 9,87%, dù cao hơn mức quy định tối thiểu 8% nhưng bộ đệm ở đây không nhiều thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng cao về tổng tài sản.
Trong khi đó, cũng theo dữ liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật, tại 30.4.2024, khối NHTM cổ phần lại có tỷ lệ CAR theo Basel II vượt trội, đạt tới 12,06% bình quân những thành viên đã áp dụng Thông tư 41. Kỳ báo cáo tài chính quý 1/2024 cũng cho thấy CAR tại một số thành viên ở khối này đạt trên 13% tới hơn 15%. Tại HDBank, tỷ lệ CAR cuối quý 1/2024 tiếp tục tăng lên 13,8%, trong khi hiệu quả hoạt động vững vàng ở vị thế đầu ngành, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ hơn 24% trước đó tăng lên tới 26,7%.
Như vậy có thể thấy, trên cơ sở các dữ liệu cập nhật ở những chỉ tiêu nền tảng trọng yếu nói trên, khối NHTM cổ phần với những thành viên hàng đầu, bao gồm Techcombank, HDBank, VPBank, ACB... đều đang sở hữu không gian và động lực tăng trưởng tốt. Đây cũng chính là nhóm có điều kiện và tạo kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu thế tăng trưởng chung trong nửa cuối năm 2024, sau khi đã cùng thể hiện các tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng và toàn diện trong năm 2023, quý 1/2024 và dự kiến sẽ tiếp tục là những điểm sáng trong mùa báo cáo tài chính quý 2 đang đến gần.
Bình luận (0)