Triển vọng thêm hàng tỉ USD từ xuất khẩu sang Trung Quốc

Chí Nhân
Chí Nhân
14/12/2023 06:26 GMT+7

VN có thể thu thêm từ 1 - 1,5 tỉ USD nếu một số mặt hàng rau quả được ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

6 mặt hàng đang chờ nghị định thư

Văn phòng SPS thuộc Bộ NN-PTNT cho biết: Tính đến tháng 11.2023, VN đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này xuất theo hình thức nghị định thư, truyền thống hoặc thí điểm. Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm: trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên.

Triển vọng thêm hàng tỉ USD từ xuất khẩu sang Trung Quốc  - Ảnh 1.

Người dân và doanh nghiệp chờ đợi bưởi sẽ sớm được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

CHÍ NHÂN

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng năm 2023 xuất khẩu rau quả của VN vào Trung Quốc đạt 3,2 tỉ USD, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này, tăng trưởng mạnh nhất là sầu riêng đạt gần 2 tỉ USD; kế đến là mít, xoài, vải, dưa hấu, khoai lang… Nếu những mặt hàng nói trên sớm được ký nghị định thư với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ còn tăng mạnh. "Nếu được mở cửa sớm từ đầu năm 2024 thì 3 mặt hàng quan trọng là sầu riêng cấp đông, dừa, bưởi có thể mang về từ 1 - 1,5 tỉ USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), dự báo.

Từ vùng bưởi năm roi có tiếng ở miền Tây là Bình Minh (Vĩnh Long), ông Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Công ty Vinagreenco, cho biết: Thời gian qua công ty đã liên kết với bà con nông dân địa phương trồng bưởi năm roi đặc sản của Bình Minh và cả bưởi da xanh. Nhiều diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao để xuất khẩu (ủy thác) vào các thị trường khó tính như EU, New Zealand, Trung Đông… Tuy nhiên, đây là những thị trường xa, ví dụ như EU phải đi container lạnh và mất thời gian di chuyển đến 45 ngày nên chi phí lớn. Trong khi đó, dung lượng thị trường lại tương đối hạn chế nên dù trái bưởi đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường cao cấp nhưng kim ngạch vẫn khiêm tốn. Chính vì vậy, nếu sớm mở được cửa cho trái bưởi vào thị trường Trung Quốc thì cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất lớn.

"Có một số yếu tố để kỳ vọng vào giá trị xuất khẩu mà trái bưởi có thể mang lại. Thứ nhất là kỹ thuật canh tác của bà con nông dân hiện rất tốt, họ có thể "cho trái chuyền" quanh năm chứ không còn vụ thuận hay nghịch như trước nữa nên lúc nào chúng ta cũng có hàng để xuất. Thứ hai, bưởi là mặt hàng có giá trị kinh tế khá cao đặc biệt là bưởi da xanh và sản lượng tương đối lớn. Ngoài ra, bưởi có thời gian bảo quản kéo dài nên xuất sang các thị trường gần như Trung Quốc có thể vận chuyển thông thường thay vì container lạnh và xâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Nếu được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, trái bưởi sẽ có đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu rau quả VN và cải thiện thu nhập đáng kể cho bà con nông dân", ông Hiển nhận định.

Triển vọng thêm hàng tỉ USD từ xuất khẩu sang Trung Quốc  - Ảnh 2.

Dừa là mặt hàng được đặt nhiều kỳ vọng vào việc sớm ký nghị định thư với Trung Quốc

Sẽ có thêm các "ngôi sao mới"?

Sau kỳ tích của sầu riêng, nhiều người đặt kỳ vọng trái dừa sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD tiếp theo khi VN ký nghị định thư với Trung Quốc. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa, nói: "Theo chúng tôi biết, các khâu đàm phán đã cơ bản hoàn thành chỉ còn chờ ngày chính thức ký kết và công bố. Hy vọng, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến VN thì nghị định thư liên quan tới một số mặt hàng nông sản quan trọng như dừa, bưởi, sầu riêng đông lạnh… sẽ sớm được thông qua" . 

Đối với ngành dừa, hiện sản phẩm của VN đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới nhưng sang Trung Quốc mới khoảng 25 - 30%. Còn tại nước này, các sản phẩm dừa của VN mới chỉ chiếm thị phần có 3,5% tổng kim ngạch nhập khẩu dừa. Thị trường dừa Trung Quốc đang được các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines... khai thác rất hiệu quả. "Điều này cho thấy, cơ hội cho trái dừa VN tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc rất lớn. Nếu nghị định thư sớm được ký kết và ngành dừa tận dụng tốt cơ hội có thể biến nó thành mặt hàng tỉ USD", ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, với thị trường Trung Quốc, chúng ta nên tập trung vào sản phẩm dừa tươi (dwarf coconut) nguyên trái và dừa sơ chế gọt vỏ. Đây là mặt hàng có giá trị cao và được tiêu thụ rất tốt ở các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… "Thời gian tới, nguồn cung sản phẩm dừa của một số nước khác gặp khó khăn; đây là cơ hội tốt cho dừa VN lấp chỗ trống. Theo tôi, chúng ta không nên xuất khẩu dừa nguyên liệu (dừa khô dùng để chế biến công nghiệp) qua các tỉnh giáp biên cho đối tác mang về chế biến xuất khẩu qua Mỹ và các nước EU và hưởng phần giá trị gia tăng lớn nhất. Thay vào đó, ngành dừa cần có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến để biến dừa thành ngành công nghiệp, mang lại tỉ USD", ông Khoa lưu ý.

Triển vọng thêm hàng tỉ USD từ xuất khẩu sang Trung Quốc  - Ảnh 3.

Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán: Đến hết tháng 11.2023, VN đã xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc khoảng 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, VN mới chỉ xuất khẩu sầu riêng tươi. Nếu so với Thái Lan chúng ta vẫn còn thiếu 2 mặt hàng là sầu riêng đông lạnh và sầu riêng chế biến. 

"Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ sớm ký nghị định thư cho các mặt hàng tương tự của VN cũng giống Thái Lan. Bên cạnh đó là cấp thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho sầu riêng VN vì hiện tại so với Thái Lan chúng ta vẫn ít hơn rất nhiều. Điều này cũng có lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc vì thêm nguồn cung là tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Nếu mở được cửa này, các doanh nghiệp VN sẽ tận dụng tốt cơ hội và mang về thêm hàng tỉ USD", ông Nguyên dự báo.

VN - Trung Quốc ký Nghị định thư về dưa hấu

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ NN-PTNT VN và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc. Theo đó, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ NN-PTNT lẫn GACC phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình đóng gói tại cơ sở đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo dưa hấu quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.