Nhật vừa tuyên bố sẽ hợp tác với Anh phát triển công nghệ tên lửa trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ mới như F-35 và Typhoon.
|
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi chính phủ Nhật nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí, một động thái nhằm tăng cường sự hiện diện về quân sự lẫn ngoại giao của Tokyo trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động.
Cụ thể, chính phủ Nhật hồi tháng 4 đã thông qua chính sách mới, thay đổi lệnh cấm bán vũ khí mà nước này tự áp đặt hồi năm 1967. Theo đó, tùy vào các điều kiện cụ thể, Nhật có thể hợp tác nghiên cứu và phát triển thiết bị quốc phòng với các nước có quan hệ an ninh với mình. Bên cạnh các khách hàng Anh và Mỹ, Nhật đã ký với Úc thỏa thuận liên quan đến chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng đồng thời được cho là sắp xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ấn Độ với lô hàng đầu tiên có thể là thủy phi cơ quân sự US-2, theo tờ Nikkei.
Lợi thế cảm biến
AFP dẫn thông báo từ chính phủ Nhật cho biết kế hoạch nghiên cứu chung với Anh sẽ liên quan đến dự án Meteor nhằm chế tạo tên lửa cho máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tên lửa không đối không Meteor có tốc độ cực nhanh và tầm bắn đạt hơn 100 km, có thể được triển khai trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm hoặc thậm chí trong các môi trường chiến tranh điện tử khắc nghiệt. Tuy vậy vẫn còn nhiều lo ngại về độ chính xác của nó. Vì thế, Anh mong đợi thế mạnh về công nghệ cảm biến tiên tiến của Nhật có thể giúp hoàn thiện các tên lửa. Dự kiến, thỏa thuận hợp tác chính thức sẽ được ký trong cuộc gặp 2+2 của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai bên tại Anh vào đầu tháng 9.
Dự án Meteor hiện do hãng chế tạo tên lửa liên doanh Anh - Pháp Matra BAe Dynamics cùng nhiều công ty châu u khác tham gia phát triển. Bước đầu, các bên sẽ tiến hành mô phỏng hoạt động của tên lửa với sự bổ sung của công nghệ Nhật. “Chúng tôi tin rằng kết hợp các công nghệ tối tân của cả Anh và Nhật có thể giúp tạo ra một sản phẩm tinh tế hơn”, một quan chức quốc phòng Nhật phát biểu với AFP còn Bộ Quốc phòng Anh đã lên tiếng hoan nghênh dự án chung này.
Ngoài ra, thế mạnh về công nghệ cảm biến cũng giúp Nhật kiếm được thêm một khách hàng “sộp” khác là Mỹ. Cách đây chưa lâu, Tokyo đã bật đèn xanh để xuất khẩu linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Advanced Capability-2 (PAC-2) của Mỹ. Theo AFP, các linh kiện này trước đây do nhà thầu công nghệ quốc phòng Raytheon của Mỹ cung cấp song họ hiện không chế tạo sản phẩm này nữa mà tập trung phát triển PAC-3. Do vậy, Tập đoàn Mitsubishi sẽ được phép xuất khẩu cảm biến hệ suất cao cho Raytheon để lắp vào hệ thống PAC-2 và bán cho các nước có nhu cầu. Cảm biến này là thành phần chính của thiết bị hồng ngoại được gắn ở đầu tên lửa có chức năng xác định và truy sát mục tiêu, theo tờ Nikkei.
Mục tiêu chiến lược
Theo giới quan sát, việc tham gia phát triển tên lửa Meteor là nước cờ cao của Nhật khi sản phẩm này được đánh giá sẽ rất hút hàng. Anh chắc chắn sẽ trang bị Meteor cho các phi đội F-35 lẫn Eurofighter Typhoon của không lực hoàng gia. Nhiều loại máy bay chiến đấu khác của châu u như Dassault Rafale của không quân Pháp và Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển dự kiến đều sẽ trang bị tên lửa Meteor.
Bên cạnh đó, góp phần hoàn thiện Meteor không chỉ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật mà còn góp phần nâng cao khả năng phòng vệ của nước này. Theo Kyodo News, chính quyền Tokyo đã lên kế hoạch mua hàng loạt chiếc F-35 để thay thế phi đội F-4 Phantom đã cũ kỹ của Lực lượng phòng vệ trên không và hướng đến sử dụng Meteor.
Nhật chuẩn bị mua tàu chiến khổng lồ Chính phủ Nhật đã quyết định mua tàu đổ bộ tấn công đa nhiệm lớp Wasp của Mỹ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các quần đảo xa xôi, tờ Sankei Shimbun dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay.
Dự kiến hợp đồng sẽ được ký vào năm 2015 và đến năm 2019, Nhật sẽ chính thức triển khai tàu vào biên chế Lực lượng phòng vệ biển. Tàu chiến lớp Wasp của Mỹ dài 258 m, độ choán nước 41.300 tấn, có thể chở 2.500 binh sĩ, 45 máy bay trực thăng cùng nhiều xe tăng, xe bọc thép... Tàu cũng được trang bị các hệ thống phóng tên lửa MK57 và MK31. Nếu thương vụ trên thành công, con tàu lớp Wasp sẽ vượt qua tàu khu trục chở trực thăng Izumo để trở thành chiến hạm lớn nhất của Nhật. Theo Kyodo News, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera từng thị sát một chiếc tàu lớp Wasp mang tên Makin Island trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước và ông đã bày tỏ hy vọng những chiếc tàu như vậy sẽ sớm được triển khai tại Nhật. |
Danh Toại
>> Xuất khẩu chuyến cá ngừ đầu tiên sang Nhật Bản
>> Nhật Bản: Hành động của Trung Quốc có thể gây ra chiến tranh khu vực
>> Nhật Bản muốn thành lập lực lượng quân sự không gian
Bình luận (0)