[VIDEO] Núp bóng công ty tư vấn tài chính để tổ chức “bốc bát họ” - Video tư liệu
|
![]() Đại tá Phạm Văn Tám
|
Tín dụng đen là “tội phạm nguồn”
|

Theo bạn, đâu là giải pháp căn cơ để triệt bỏ tín dụng đen?
Đã có kế hoạch đấu tranh tội phạm tín dụng đen
Ý KIẾN Giúp người dân tiếp cận vốn ngân hàng hàng dễ dàng hơnTín dụng đen giờ không còn ở những khu vực đô thị mà tràn tới cả những khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, khu dân cư hẻo lánh. Tôi cho rằng, các ngành chức năng phải kiên quyết xử lý, triệt phá những đối tượng cho vay nặng lãi với mức lãi suất “cắt cổ” mà người dân gần như không có khả năng trả được.
![]() Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Hiện nay, các quy định về xử lý các hành vi cho vay nặng lãi này vẫn còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, bộ luật Hình sự mới vừa được sửa đổi năm 2017 nên không thể đưa ra sửa được ngay. Vì vậy, tôi cho rằng giải pháp lúc này là Chính phủ xem xét quy định xử phạt hành chính những hành vi này thật nặng. Khi phát hiện vi phạm lần 2 thì phải xử lý hình sự. Còn đối với những đối tượng manh động, dùng những biện pháp bạo lực, "xã hội đen" để đe dọa, đòi nợ, cơ quan chức năng phải có động thái trấn áp mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng đang gây bất an cho xã hội này.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tình trạng tín dụng đen xuất phát từ nhu cầu vay của bà con. Tại sao 1 - 2 năm nay tình hình tín dụng đen lại trở nên phức tạp như vậy? Đó là vì nhu cầu của bà con quá lớn. Khi người ta quá túng bấn, không có cách nào khác thì dù biết lãi suất cao, không có khả năng trả được nhưng họ vẫn chấp nhận vay. Do đó, tôi nghĩ để giảm nạn tín dụng đen hoành hành thì ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng nên vào cuộc, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, để hỗ trợ, giúp các đối tượng cần thiết tiếp cận nguồn vốn. Có thể tính đến cơ chế linh động nào đó để bà con không có tài sản thế chấp mà vẫn được tiếp cận vốn, được vay tiền… Chỉ giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng một cách dễ dàng hơn thì tín dụng đen mới giảm bớt được.
Trong dư luận cũng có thông tin cho rằng có dấu hiệu việc bảo kê của một số cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức quyền đối với những đối tượng hoạt động tín dụng đen. Thực tế đây cũng là một biểu hiện của nhóm lợi ích, câu kết với nhau để hưởng tiền lãi chênh lệch của người dân. Tôi cho rằng, nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào bảo kê cho người vay nặng lãi thì phải xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn, phải xử lý hình sự.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Phạt cả người đi vayHiện nay, các hình thức xử lý đối với hoạt động cho vay nặng lãi vẫn còn nhẹ, theo quy định tại bộ luật Dân sự 2015 thì hành vi này chỉ bị phạt 5 - 15 triệu đồng. Vì thế, tôi cho rằng cần có hình thức phạt nặng hơn nữa để đủ tính răn đe. Để làm được điều này, một trong các giải pháp là các quy định của pháp luật cần phải mở ra, phân cấp cho các địa phương để các địa phương chủ động đưa ra các quy định về hình thức xử lý tùy theo điều kiện, tính chất của từng địa phương. Như hiện nay, luật quy định một khung chung trong khi mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, có những vụ việc ở địa phương này tính chất đơn giản nhưng có những vụ việc ở địa phương khác lại rất phức tạp thành ra hình phạt trở nên rất nhẹ, không đủ tính răn đe.
![]() Đại biểu Quốc hội Anh Tuấn
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc xử phạt đối với hoạt động tín dụng đen không chỉ thực hiện đối với đối tượng cho vay mà nên phạt cả những người đi vay. Thực tế là có cầu thì mới có cung và các hợp đồng tín dụng đen thực chất là sự thỏa thuận về mặt dân sự giữa 2 bên nên khó xử lý. Vì thế, để chấm dứt tình trạng này thì đối tượng đi vay cũng cần có hình thức phạt vì đã tham gia vào một hoạt động trái luật.
Về lâu dài, giải pháp căn cơ để chấm dứt được tình trạng này là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được về những hành vi tín dụng phi pháp. Các tổ chức tín dụng cũng cần phải phát triển các hình thức tín dụng vi mô hay còn gọi là tín dụng cá nhân để những người không có vốn có thể tiếp cận nguồn vốn với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn, đồng thời giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay này một cách chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích. Chúng ta cứ nói tăng cường khả năng tiếp cận vốn một cách đơn thuần nhưng người được vay lại sử dụng vốn không đúng mục đích thì sẽ không thể cải thiện được gì.
Đại biểu Quốc hội Anh Tuấn (TP.HCM)
Thêm mô hình cho vay tài chínhPhía sau tín dụng đen là cả hệ thống đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, gây gánh nặng tâm lý lên toàn xã hội. Họ có thể dùng cả dao búa đè vào cổ người vay bất cứ lúc nào nên nhiều người đã phải bỏ trốn khỏi chỗ ở, thậm chí trốn cả ra nước ngoài. Tín dụng đen là ung nhọt của xã hội.
![]() TS Lê Xuân Nghĩa
Để khắc phục tình trạng tín dụng đen lộng hành, quấy nhiễu cuộc sống người dân, phải có biện pháp giải quyết vấn đề từ gốc - tức là phải khắc phục, giải tỏa nguồn vốn vay cho người dân; thúc đẩy sự tham gia và phát triển của các mô hình công ty tài chính tiêu dùng để người dân có thêm nhiều lựa chọn vay vốn bên cạnh các hình thức truyền thống như ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng nhà nước. Sự phát triển của các công ty tài chính sẽ giúp ngăn chặn các hình thức tín dụng đen, giảm thiểu tối đa những hoạt động cho vay bất hợp pháp, bắt chẹt người dân, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn có nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ dùng cho mục đích tiêu dùng nhanh.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính quốc gia
Lê Hiệp - Anh Vũ (ghi)
|
Bình luận