Triết lý của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier

11/03/2023 08:33 GMT+7

HLV Troussier đã có hơn một tuần làm việc với U.23 và 3 buổi tập cùng đội tuyển Việt Nam. Điều quan trọng nhất của đợt tập trung này là tất cả cầu thủ đều phải làm quen với triết lý, phương pháp huấn luyện của 'Phù thủy trắng'.


NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ

Về mặt cơ bản, những thứ liên quan công tác tổ chức, kế hoạch tập luyện, cách sắp xếp bài tập của HLV Troussier không có nhiều sự khác biệt so với HLV Park Hang-seo. Đó đều là những yêu cầu, tiêu chuẩn chung của các đội tuyển trên toàn thế giới. Có thời điểm, HLV Troussier "trộn lẫn" hai đội và các anh lớn tập luyện xen kẽ cùng với các đàn em U.23 cũng là một phương pháp mới mẻ. Thú vị hơn, đàn em U.23 chính là những người truyền đạt lại những kiến thức, kỹ năng, yêu cầu của thầy mới cho các anh. Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải và đồng đội sẽ phải quan sát rất kỹ từng thao tác của các em U.23 để từ đó thẩm thấu nhanh hơn những yêu cầu mới của HLV Troussier. Đó là những phương pháp truyền đạt kết hợp giữa lý thuyết, yêu cầu của ban huấn luyện với sự quan sát, yếu tố thực hành trên sân.

Triết lý của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier - Ảnh 1.

HLV Troussier đưa ra yêu cầu cao đối với đội tuyển và U.23 Việt Nam

HOÀNG QUÂN

Thời thầy Park, các cầu thủ trẻ khi lên đội tuyển được các anh kèm cặp, còn bây giờ, cầu thủ trẻ đã được tập và làm quen trước sẽ là những người thị phạm để đàn anh học và làm theo. Trong kiểm soát bóng, chuyền - nhận bóng di chuyển ở cường độ cao, U.23 đang làm tốt hơn các anh khá nhiều.

TRIẾT LÝ CỦA HLV TROUSSIER LÀ GÌ ?

Rất khó để nói về triết lý của một vị HLV chỉ sau 1 tuần tập luyện, nhưng sau quãng thời gian ngắn ngủi đó, với cường độ làm việc rất cao của cả thầy và trò, cũng đã có thể nhận biết được những yếu tố ban đầu. Đó là tuyển Việt Nam sẽ hướng đến việc theo đuổi triết lý: kiểm soát bóng, thực hiện những đường chuyền - tình huống nhận bóng, xử lý ít chạm, phối hợp với tốc độ cao, cự ly ngắn nhỏ. Các vị trí liên tục di chuyển để tạo ra những tam giác, tứ giác nhằm hỗ trợ, giúp cho người chuyền có nhiều sự lựa chọn. Điều này giúp trái bóng được luân chuyển với tốc độ cao trên sân.

Có những yêu cầu được đặt ra: kiểm soát bóng chắc, không để mất bóng dễ dàng, không chuyền bổng, không chuyền dài, phải kiểm soát bóng tốt dưới áp lực cao. Trong buổi tập đầu tiên, Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải đã bị nhắc nhở rất nhiều vì thói quen chuyền bóng bổng 30 - 40 m. Các cầu thủ chỉ được chuyền căng, sệt ở cự ly ngắn, nhỏ. Dài nhất cũng chỉ khoảng 25 m nhưng chuyền sệt và có lực rất căng. Nếu ai đó từng theo dõi đội tuyển Nhật dưới thời thầy Troussier hay những đội bóng hàng đầu châu Âu và thế giới chơi bóng ở thời điểm hiện tại cũng không nhiều các trung vệ chuyền dài từ phần sân nhà. Xu thế chung của bóng đá hiện đại vẫn là phát động tấn công ở phần sân nhà, còn sau đó mỗi đội bóng sẽ có cách thức kiểm soát bóng và tổ chức tấn công khác nhau.

Ông Troussier yêu cầu với các học trò là phải kiểm soát bóng tốt dưới áp lực cao. Điều này được thực hiện nghiêm túc trong các buổi tập. Khi đội được giao nhiệm vụ phòng ngự sẽ phải nghiêm túc đẩy cao đội hình và pressing đội có bóng một cách mạnh mẽ nhất. Và lúc đó bên tấn công sẽ phải chứng tỏ năng lực kiểm soát bóng bằng chất lượng đường chuyền, khả năng khống chế bước một, nỗ lực di chuyển đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để thoát pressing. Mục tiêu quan trọng nhất, giữ được bóng và mở ra những hướng tấn công mới.

Hơn một tuần và khối lượng công việc khổng lồ với những thời điểm có tới hơn 40 cầu thủ trên sân tập. Nhưng nhìn chung cũng đã nhìn thấy những nét mới mẻ và thú vị của đội U.23 và tuyển Việt Nam trong thời kỳ mới. Rất có thể đây mới chỉ là phần ban đầu, phần đặt nền móng cho việc xây dựng lối chơi cho đội tuyển. Và hy vọng sự khởi đầu suôn sẻ của một triết lý, một phong cách mới sẽ mang lại những thành công mới cho bóng đá Việt Nam.

QUẢ BÓNG BẠC NỮ VIỆT NAM THÙY TRANG ĐEO BĂNG ĐỘI TRƯỞNG

Hôm qua (10.3), đội tuyển nữ Việt Nam đã tập trung và di chuyển từ Hà Nội đến TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) để bắt đầu chuẩn bị cho vòng loại thứ nhất Olympic 2024.

Ở đợt tập trung này, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có một tuần rèn luyện thể lực với lịch tập 2 buổi/ngày, gồm các bài bổ trợ về sức bền, tốc độ (sáng) và rèn kỹ chiến thuật (chiều). Địa điểm được HLV Mai Đức Chung và ban huấn luyện lựa chọn cho lần tập trung này là TP.Cẩm Phả, nơi đóng quân quen thuộc của đội tuyển nữ Việt Nam với các điều kiện cơ sở vật chất phù hợp cho các bài tập nhằm nâng cao thể lực cho cầu thủ.

Do đội trưởng Huỳnh Như đang bận thi đấu tại Bồ Đào Nha nên đội tuyển Việt Nam tạm bầu ban cán sự mới. Những gương mặt được lựa chọn gồm: đội trưởng Trần Thị Thùy Trang và các đội phó Chương Thị Kiều, Phạm Hải Yến và Trần Thị Kim Thanh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.