Ngày 18.11, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, đơn vị này vừa triệt phá chuyên án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Đến nay, C02 đã bắt giữ, khởi tố 17 bị can trong 3 đường dây.
Theo C02, qua nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm nhân thân (Phòng 2, C02) phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức do Lê Triệu Tấn Thịnh (30 tuổi, ở Q.Bình Tân) cầm đầu.
Sau một thời gian thu thập chứng cứ, C02 xác lập chuyên án đấu tranh, qua tài liệu của cơ quan điều tra xác định, từ cuối năm 2022, Thịnh thấy nhiều người có nhu cầu làm giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng... Thịnh đã làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại một căn hộ ở chung cư Q.Bình Tân. Sau đó, Thịnh sử dụng mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo để đăng thông tin tìm khách hàng có nhu cầu làm giấy tờ, tài liệu giả.
Đến ngày 4.8.2024, Thịnh làm giả 3 loại tài liệu do bị can Nguyễn Hoàng Phương (28 tuổi, ở Q.Bình Tân) đặt và giao cho khách hàng. Ngày 5.8, sau khi làm giả xong 28 loại tài liệu, Thịnh đưa cho bị can Huỳnh Thiên Lộc (39 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) đi giao cho khách thì công an bắt quả tang.
Đến ngày 14.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can, gồm: Lê Triệu Tấn Thịnh, Huỳnh Thiên Lộc, Nguyễn Hoàng Phương, Lâm Bảo Vĩ, Nguyễn Văn Tý để điều tra làm rõ.
C02 cho biết, bị can Lê Triệu Tấn Thịnh cùng đồng phạm trong đường dây đã làm giả hàng ngàn loại tài liệu, thu lợi nhiều tỉ đồng, công an thu giữ 4.820 con dấu, 4 tấm phôi chất liệu cao su dùng để làm giả con dấu, máy scan, máy sấy làm cứng phôi, máy cắt CNC dùng để làm giả con dấu, 336 thẻ tín dụng ngân hàng các loại, 73 thẻ sim và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…
Chấp nhận bị nợ xấu để chiếm đoạt tiền của ngân hàng
Quá trình điều tra vụ án Lê Triệu Tấn Thịnh, C02 phát hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức do bị can Lê Minh Tuấn (29 tuổi, ở Q.Tân Bình) cầm đầu, chiếm đoạt tiền ở một ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, từ năm 2022, Tuấn bắt đầu làm dịch vụ mở thẻ tín dụng, quẹt thẻ Pos đáo hạn ngân hàng tại Q.Tân Phú để lấy phí dịch vụ từ 1,8% - 2% trên tổng số tiền khách rút. Đến tháng 8.2023, Tuấn bàn bạc với Vũ Thị Phượng (nhân viên ngân hàng) tìm khách hàng không đủ điều kiện vay tiền, mở thẻ tín dụng, rồi đặt làm giả tài liệu như: hợp đồng lao động; sao kê bảng lương thể hiện công ty sử dụng người lao động trả lương từ bị can Thịnh. Sau đó, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả này để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng. Sau khi được ngân hàng giải ngân, Tuấn và các đối tượng là khách hàng chiếm đoạt tiền và chia nhau.
Để thực hiện hành vi, Tuấn tạo group trên ứng dụng Zalo, Facebook có tên "Mở thẻ tín dụng TP.HCM" tìm khách hàng. Sau khi có khách hàng đứng tên vay tiền, mở thẻ tín dụng thì Tuấn đặt hàng các bị can Lê Như Ý, Huỳnh Thị Mỹ Tâm làm giả sao kê bảng lương, hợp đồng lao động với nhiều giá tiền khác nhau. Sau khi có tài liệu giả, Tuấn yêu cầu khách hàng đến để ký hợp đồng lao động, rồi gửi hồ sơ này cho Phượng.
Tiếp đến, Phượng thông báo để Tuấn liên lạc yêu cầu khách hàng đến ngân hàng ký hợp đồng vay tín chấp, mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng. Đối với hợp đồng lao động được làm giả, Phượng ký xác nhận đã đối chiếu bản chính, sau đó chuyển bản chính được làm giả lại cho Tuấn để đối tượng tiêu hủy. Với các sao kê bảng lương được làm giả thì Phượng đưa vào hồ sơ khách vay.
Về khách vay tín chấp, Tuấn giữ thông tin tài khoản ngân hàng và sim điện thoại của khách để nhận OTP, khi được ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay, giải ngân, Tuấn sẽ trực tiếp vào app mở tài khoản ngân hàng của khách để rút tiền chia nhau.
Đối với khách mở thẻ tín dụng, Tuấn giữ lại thẻ, khi được ngân hàng duyệt hồ sơ mở thẻ, đối tượng dùng thẻ quẹt máy Pos để rút tiền chia nhau.
Đối với khách muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng khi đã được ngân hàng cấp thẻ, Tuấn sẽ đưa khách ra một ngân hàng khác, Tuấn dùng tiền của cá nhân mở một sổ tiết kiệm đứng tên khách hàng (tương ứng với số tiền muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng).
Sau khi khách hàng có sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ cấp cho khách thẻ tín dụng có hạn mức tương đương sổ tiết kiệm, dùng sổ tiết kiệm để thế chấp, Tuấn sử dụng máy Pos rút toàn bộ số tiền có trong thẻ tín dụng để thu hồi lại số tiền đã mở sổ tiết kiệm cho khách (khách phải chịu 1,8% phí dịch vụ máy Pos)...
Sau khi được ngân hàng cấp thẻ tín dụng với hạn mức mới, Tuấn sử dụng thẻ quẹt máy Pos rút tiền chia nhau. Tuấn lấy từ 15 - 25% trên tổng số tiền được giải ngân và giữ lại 10,8% để gốc lãi đầy đủ nhằm mục đích trong 6 tháng đầu để không bị nợ xấu, tạo thuận lợi cho nhân viên ngân hàng tiếp tục làm các hồ sơ cho các khách hàng sau. Sau 6 tháng, Tuấn và khách hàng không tiếp tục trả lãi, gốc cho ngân hàng mà khách hàng chấp nhận nợ xấu để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Công an xác định, bị can Tuấn câu kết với Phượng sử dụng 6 hợp đồng lao động giả, 6 sao kê tài khoản trả lương giả để hoàn thiện hồ sơ vay tín chấp, mở thẻ tín dụng cho khách hàng tại ngân hàng. Sau khi được giải ngân, Tuấn cùng đồng phạm đã chiếm đoạt 575 triệu đồng.
Cùng thời điểm điều tra, triệt phá ổ nhóm của Lê Minh Tuấn, các trinh sát Phòng 2 tiếp tục làm rõ ổ nhóm khác với thủ đoạn tương tự do Nguyễn Văn Khanh và nhân viên ngân hàng Tạ Nguyễn Hồng Ân cầm đầu. Theo đó, Khanh và Ân lên mạng xã hội tìm người không đủ điều kiện vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng để làm giả tài liệu hoàn thiện hồ sơ. Tài liệu giả sẽ được các bị can dùng để chiếm đoạt tiền của chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ, Khanh và Ân câu kết với Nguyễn Châu Nguyễn, nhân viên ngân hàng hoàn thiện hồ sơ. Sau khi được ngân hàng giải ngân, Khanh, Ân cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt 470 triệu đồng của ngân hàng. Đến ngày 12.11, bị can Khanh, Ân và Nguyễn và một số người khác bị C02 khởi tố để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại sao tội phạm lợi dụng sơ hở của ngân hàng?
C02 cho biết, lợi dụng sơ hở của ngân hàng trong kiểm tra hồ sơ vay vốn, hiện tội phạm đã làm giả giấy tờ để biến nhiều khách hàng từ không đủ điều kiện vay thành đủ điều kiện vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Bộ phận thẩm định, phê duyệt hồ sơ không đối chiếu, lưu giữ bản gốc các tài liệu chứng minh thu nhập của khách vay, chỉ duyệt qua ảnh chụp hoặc bản photo. Từ đó dẫn đến việc các đối tượng đã câu kết với nhân viên ngân hàng (bộ phận sale) làm giả, sử dụng tài liệu giả (hợp đồng lao động, sao kê tài khoản chứng minh công ty trả lương...) để hoàn thiện hồ sơ vay tín chấp, mở hạn mức thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Bình luận (0)