Triệt tệ nạn trá hình nhà hàng trung tâm TP.HCM đang gặp thế khó?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
16/11/2023 13:30 GMT+7

Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Thành Lâm dẫn chứng câu chuyện phạt một cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí ngày hôm trước, lần sau đến kiểm tra thì cơ sở lại xuất trình giấy phép mới, thay đổi người đại diện pháp luật, nhưng vẫn ngay tại địa chỉ cũ...

Sáng 16.11, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM khảo sát UBND Q.1 về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa giải trí khác, trong đó có nhà hàng.

Kinh doanh núp bóng, biến tướng

Vấn đề cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thuận tiện nhưng lại gây khó cho việc kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm là bất cập được UBND Q.1 và nhiều đơn vị sở ngành nhấn mạnh tại buổi khảo sát này.

UBND Q.1 cho biết, địa phương hiện có "danh sách đen" 223 cơ sở kinh doanh ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn (như nhà hàng ăn uống, hoạt động quầy bar phục vụ khách nước ngoài, mô hình "beer club, longue", "hát với nhau", massage, xông hơi, xoa bóp...).

'Cơ sở kinh doanh bị phạt hôm trước, hôm sau xuất giấy phép mới' - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND Q.1 Mai Thị Hồng Hoa phát biểu tại buổi khảo sát

THU NGÂN

Tại Q.1, có nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh ngành nghề nhà hàng nhưng lại hoạt động kiểu quán bar, beer club, lounge... và hoạt động quá giờ quy định, không đảm bảo PCCC, sử dụng chất kích thích, sử dụng bóng cười, gây ồn ào.

Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Thành Lâm cho hay, hiện nay các cơ sở kinh doanh biến tướng rất nhiều, có trường hợp dùng mọi cách để chống đối lực lượng chức năng.

Ông Lâm nói: "Một cơ sở nhưng có đến nhiều giấy phép kinh doanh. Nhiều cơ sở kinh doanh bị xử phạt nhưng họ không chấp hành quyết định. Sau đó, họ xin giấy phép kinh doanh mới. Đây là một hình thức đổi giấy phép để qua mắt cơ quan chức năng, kinh doanh không đúng theo ngành nghề đã đăng ký".

Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng dẫn chứng câu chuyện một cơ sở dù bị xử phạt vào ngày hôm trước, nhưng lần sau kiểm tra lại xuất trình một giấy phép kinh doanh mới, thay đổi người đại diện pháp luật dù vẫn ở địa chỉ cũ, cơ sở vật chất hoạt động như cũ.

"Nếu cứ như vậy thì phường, quận và các lực lượng liên ngành có đi kiểm tra cách mấy thì cũng không thể kiểm soát hết được và cũng không có cách nào để quản lý, ngăn ngừa được các tệ nạn tại địa bàn", ông Lâm nói.

'Cơ sở kinh doanh bị phạt hôm trước, hôm sau xuất giấy phép mới' - Ảnh 2.

Buổi khảo sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM với UBND Q.1

THU NGÂN

Do đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, cụ thể là Sở KH-ĐT TP.HCM cần siết lại việc cấp phép. UBND Q.1 cũng đề xuất cần sớm sửa đổi quy định trong việc quản lý cấp mới, cấp đổi, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Về vấn đề này, đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM tại buổi khảo sát cũng cho biết đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM và Bộ KH-ĐT, trong đó có kiến nghị quy định liên quan đình chỉ hoạt động kinh doanh của các cơ sở có phát sinh tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm), vi phạm PCCC, không chấp hành đóng phạt...

Thế khó cưỡng chế

Theo báo cáo của UBND Q.1, từ đầu năm đến nay, Công an Q.1 đã kiểm tra 1.764 lượt, đề xuất ban hành 1.394 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 8 tỉ đồng. Còn Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội Q.1 cũng kiểm tra 257 lượt, đề xuất ban hành 182 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng.

Triệt tệ nạn trá hình nhà hàng trung tâm TP.HCM đang gặp thế khó? - Ảnh 3.

Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Thành Lâm phát biểu tại buổi khảo sát

THU NGÂN

Tuy nhiên, theo UBND Q.1, còn nhiều trường hợp cố tình không đóng phạt. Trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành hiện đang gặp vướng mắc. Cụ thể, căn cứ quy định cưỡng chế (Nghị định 166 năm 2013 của Chính phủ), hiện các đơn vị chức năng chỉ áp dụng được hình thức "khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm", "buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả".

Trong khi đó, chưa thực hiện được quy định "kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá", "thu tiền, tài sản khác"... do tài sản của người vi phạm có giá trị thấp không đủ thu phạt, tài sản không rõ nguồn gốc. Chưa kể, tài khoản các cơ sở khai báo với cơ quan thuế không có số dư.

UBND Q.1 cũng đề xuất cần cụ thể hóa các quy định về cưỡng chế đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn tệ nạn xã hội thường xuyên vi phạm nhưng không đóng phạt.

'Cơ sở kinh doanh bị phạt hôm trước, hôm sau xuất giấy phép mới' - Ảnh 3.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM

THU NGÂN

Tại buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, cũng đề nghị UBND Q.1 và các lực lượng liên ngành "phải làm mạnh, triệt để", tăng cường nghiệp vụ, nhất là đối với những cơ sở cố tình vi phạm.

Cạnh đó, ông Bình đề nghị UBND Q.1 cần tham mưu cho Quận ủy Q.1 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực này. Đồng thời có kế hoạch tổng thể, phân công phân vai rõ ràng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, mạnh dạn kiến nghị với các cơ quan, sở ngành các bất cập liên quan.

Ngày 5.11 vừa qua, Công an TP.HCM khởi tố và tạm giam Nguyễn Thị Cẩm Nguyên (biệt danh là Nhi), Nguyễn Văn Ngon, Lê Hữu Nhân, Phạm Duy Khánh về hành vi môi giới mại dâm.

UBND Q.1: Nhiều cơ sở có 1 - 3 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - Ảnh 1.

Các đối tượng môi giới mại dâm bị bắt

THANH TUYỀN

Công an TP.HCM phát hiện các cô gái là nhân viên của Nhà hàng 97 (97 bis Sương Nguyệt Ánh, P.Bến Thành, Q.1) hoạt động tiếp khách, mại dâm do Nguyên làm chủ và trực tiếp điều hành.

Theo công an, đây là tổ chức mại dâm núp bóng nhà hàng ở trung tâm TP.HCM. Nhà hàng này hoạt động từ năm 2018, là chuỗi hệ thống lớn nhất trong các hệ thống nhà hàng (bao gồm một số nhà hàng ở Q.5) do Nguyên làm chủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.