Triệt xóa nhiều đường dây mua bán, làm giả CCCD để mở thẻ ngân hàng

26/09/2022 06:20 GMT+7

Nạn làm giả CCCD để phục vụ cho các hoạt động đánh bạc trên internet; giới thiệu, giao dịch mua bán tài khoản và thẻ ngân hàng trên mạng xã hội ; lừa đảo… phát sinh nhiều hệ lụy khó lường.

Thời gian qua, hàng loạt kẻ gian trong các đường dây phi pháp đó đã bị công an khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra.

Thu mua CCCD để làm giả

Thông tin từ Công an TP.Hải Phòng cho biết qua công tác nắm tình hình địa bàn và lĩnh vực ngân hàng, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP.Hải Phòng) phát hiện 1 người sử dụng CCCD giả để phạm pháp. Cụ thể, ngày 5.8, tại một phòng giao dịch ngân hàng trên đường Trần Nguyên Hãn (P.Niệm Nghĩa, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng), lực lượng công an đã phát hiện đối tượng sử dụng thẻ CCCD giả để mở tài khoản ngân hàng.

Dịch vụ nhận làm thẻ CCCD, tài liệu, giấy tờ giả tràn lan trên mạng xã hội

B.N

Tang vật thu giữ gồm 2 điện thoại Samsung; 14 CCCD (trong đó có 7 CCCD hoàn chỉnh đã có ảnh và đầy đủ thông tin, 7 CCCD bị tẩy ảnh); 71 sim điện thoại; 3 giấy thẻ tài khoản ngân hàng; 47 ảnh chân dung cỡ 2 x 3 cm và 5 ảnh chân dung cỡ 3 x 4 cm của nhiều người, cùng nhiều giấy decan dán trong có ảnh, số CCCD, tên người để làm CCCD giả.

Qua quá trình đấu tranh, người này khai nhận đã thu mua CCCD tại các cửa hàng cầm đồ, sau đó tẩy ảnh và một số thông tin trên CCCD, sử dụng máy tính chế bản ra số CCCD mới và các thông tin khác, in màu trên giấy decal trong rồi dán đè lên CCCD đã được tẩy xóa. Bằng thủ đoạn này, người này đã làm CCCD giả và sử dụng mở 7 tài khoản tại nhiều ngân hàng trên địa bàn TP.Hải Phòng. Mục đích phục vụ các hoạt động đánh bạc trên internet; giới thiệu, giao dịch mua bán tài khoản và thẻ ngân hàng trên mạng xã hội.

Trên cơ sở tài liệu điều tra xác minh, thu thập được, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP.Hải Phòng) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại điều 341 bộ luật Hình sự, và chuyển vụ án đến Phòng An ninh điều tra (Công an TP.Hải Phòng).

Đến ngày 16.8, Phòng An ninh điều tra ra quyết định khởi tố, tạm giam bị can trên về tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 3, điều 341 bộ luật Hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý vụ án.

Bị can Lê Thạch Tú bị khởi tố cùng tang vật vụ án

N.T

Bị khởi tố khi mở rộng địa bàn hoạt động phi pháp

Hồi đầu tháng 7.2022, Phòng An ninh mạng (Công an TP.Đà Nẵng) phát hiện đường dây làm giả CCCD để mua bán tài khoản ngân hàng do Lê Thạch Tú (33 tuổi, quê TT.Văn Điển, H.Thanh Trì, tạm trú khu tập thể Chương Dương, P.Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm đầu hoạt động tại địa bàn TP.Đà Nẵng.

Đường dây này hoạt động từ năm 2021 tại Hà Nội. Ban đầu, Tú lên Facebook tìm việc thì có người “thuê” tìm người đăng ký mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại. Tú yêu cầu Merih Nguyễn (thường gọi Nguyễn Mạnh Cường, 27 tuổi, ngụ P.Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm), Sái Đình Hương (ngụ P.Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội) và Trần Tú Anh (26 tuổi, ngụ P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội) đi tìm, chụp CCCD. Khi nhận được tư liệu, Tú tổng hợp và dùng email gửi cho người thuê. Sau đó, người thuê sử dụng hình ảnh của chính chủ CCCD để làm giả CCCD mới bằng thông tin nhân thân người khác. Tú tập hợp các thông tin tài khoản, số điện thoại sử dụng internet banking (giao dịch ngân hàng qua mạng) gửi cho người thuê mình.

Những CCCD giả, sim rác này sau đó lại gửi ngược cho Tú để nhóm của Tú đi mở tài khoản ở các ngân hàng. Với chuỗi hành vi này, Tú được trả 900.000 đồng - 1,2 triệu đồng/tài khoản. Sau đó, Tú trả cho nhóm Merih Nguyễn, Hương, Anh chỉ 500.000 - 700.000 đồng/tài khoản, hưởng lợi 400.000 - 500.000 đồng/tài khoản. Đường dây này sử dụng tài khoản iCloud để đồng bộ các dữ liệu giao dịch. Riêng người thuê Tú trả tiền công một cách “thủ công”: nhờ người đưa tiền mặt tại các công viên trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi dùng CCCD giả mở hơn 200 tài khoản ngân hàng ở Hà Nội, thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng, Tú cầm đầu nhóm 7 người chuyển hướng vào TP.Đà Nẵng hoạt động, lưu trú khách sạn ở P.Phước Mỹ (Q.Sơn Trà). Chỉ trong 3 ngày tại TP.Đà Nẵng, nhóm của Tú đã lôi kéo, tìm được gần 100 người cho mượn CCCD để mua bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo qua mạng. Hoàn tất điều tra, Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố đường dây mua bán tài khoản ngân hàng gồm Merih Nguyễn, Hương (bị tạm giam), Tú, Anh (cho tại ngoại) cùng tội mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác.

Loại tội phạm ảnh hưởng an ninh quốc gia

Sau khi khởi tố, bắt tạm giam 1 đối tượng sử dụng thẻ CCCD giả để mở tài khoản ngân hàng, Công an TP.Hải Phòng đã phát đi cảnh báo về loại tội phạm này.

Theo Công an TP.Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn TP và một số địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng các đối tượng làm giả và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng với tên chủ tài khoản mạo danh. Sau đó, sử dụng những tài khoản này để giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng phục vụ các hoạt động phạm tội như: rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền hỗ trợ cho các đối tượng, tổ chức hoạt động chống đối chính quyền gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; phục vụ cho hoạt động phạm tội hình sự như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi qua mạng, đánh bạc qua mạng... Đồng thời, đây cũng là phương tiện để tội phạm ngân hàng lợi dụng hoạt động, gây mất an ninh, an toàn trong lĩnh vực ngân hàng.

Để phòng, chống loại tội phạm trên, Công an TP.Hải Phòng đề nghị người dân không mở hộ, cho mượn, cho thuê, mua bán tài khoản ngân hàng và CCCD để các đối tượng lợi dụng, sử dụng vào hoạt động vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện ai có hành vi trên thì thông báo cho cơ quan công an phối hợp giải quyết qua số điện thoại của Phòng An ninh kinh tế: 0692785928.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cách bảo mật thông tin CCCD

Công an cả nước đang triển khai cấp CCCD gắn chip và định danh điện tử cho người dân để sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, tăng cường bảo mật thông tin cho công dân và tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính, cũng như giao dịch dân sự.

Theo đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), công nghệ được áp dụng trên CCCD gắn chip tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới và VN. Dữ liệu công dân bên trong chip khó có thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế. Đồng thời, nếu có tác động bất hợp pháp can thiệp, chip sẽ có cơ chế tự bảo vệ dữ liệu. Công nghệ phần cứng của chip cũng như các công nghệ phần mềm triển khai trên thẻ CCCD đảm bảo chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của công dân. Không những vậy, ảnh được in trên thẻ CCCD là ảnh được lưu trong chip trong quá trình sản xuất, do vậy hoàn toàn có thể phát hiện khi đối sánh sinh trắc...

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, người dân không cho người lạ mượn, chụp CCCD; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội; không được cầm cố CCCD cho các cơ sở cầm đồ hoặc đối tượng cho vay tín dụng đen…

Về CCCD điện tử (định danh điện tử), đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06), cho biết ứng dụng định danh điện tử VNeID là ứng dụng duy nhất được dùng để hiển thị thông tin CCCD điện tử.

Theo đại tá Tấn, để không trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu, công dân tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu định danh điện tử cho người khác... Trong trường hợp công dân bị lộ, mất tài khoản định danh điện tử, cần gọi điện tới tổng đài tại C06 theo số 19000368 để yêu cầu khóa tài khoản hoặc đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Đặc biệt, đại tá Tấn nhấn mạnh lực lượng công an sẽ không gọi điện để hỏi tài khoản định danh điện tử của công dân, nếu tiếp nhận xử lý các yêu cầu gì của người dân thì chỉ làm việc tại trụ sở theo đúng quy trình. Công dân cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để tránh những đối tượng xấu giả danh công an nhằm đánh cắp tài khoản định danh và thông tin của công dân.

Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.