Đợt triều cường lần này có thể đạt đỉnh trong thời gian từ ngày mùng 2 - 4 tháng giêng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Mực nước cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu là 4,01m (vào lúc 00 giờ 45) ngày 10.2. Tại vùng biển ven bờ khu vực phía đông Nam bộ độ cao sóng phổ biến 1,5 - 2,5m.
Gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Dự báo sóng biển: Độ cao sóng trên vùng biển ven bờ phía đông Nam bộ phổ biến 2 - 3m, biển động; ngoài khơi sóng cao 3 - 5m. Mực nước tại ven biển phía đông Nam bộ có xu hướng tăng, độ cao lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,15m.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió mạnh, sóng lớn nên các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía đông của Nam bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông.
Đối với TP.HCM, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh và ở mức cao trong 24 giờ qua. Đến 7 giờ sáng ngày 10.2, mực nước cao nhất ngày tại trạm Phú An là 1,49m; trạm Nhà Bè là 1,48m đều ở mức xấp xỉ báo động (BĐ) 2. Mực nước tại các trạm này tiếp tục lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng giêng âm lịch. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 11 - 13.2 (nhằm ngày mùng 2 - 4 Tết Nguyên đán). Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể ở mức 1,55 - 1,6m, xấp xỉ hoặc dưới BĐ 3 là 0,05m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4 - 6 giờ sáng và 17 - 19 giờ chiều, có khả năng gây ngập ở vùng trũng thấp, người dân du xuân cần chú ý.
Vì Nam bộ đang trong mùa khô nên triều cường còn gắn liền với hiện tượng xâm nhập mặn. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 70 - 75km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông khu vực TP.HCM ở cấp độ 3, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Bình luận (0)