Chiều 23.9, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử".
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10 - 15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng 20 - 25% mỗi năm.
Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỉ USD. Đến năm 2023, theo Bộ Công thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỉ USD.
"Tốc độ tăng trưởng nhanh như thế đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có tuân thủ nghĩa vụ về thuế", bà Việt Anh nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, năm 2021, Việt Nam mới thu được vài nghìn tỉ đồng tiền thuế từ TMĐT. Chỉ từ năm 2022 trở lại đây, lượng thu mới tương đối lớn, lên trên 90.000 tỉ đồng trong năm 2023. Năm 2024 có khả năng thu thuế từ TMĐT đạt trên 100.000 tỉ đồng.
Ông Thịnh đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh thất thu thuế từ những đơn hàng giá trị nhỏ. Dẫn thông tin từ Bộ TT-TT về việc từ tháng 1 đến tháng 6, mỗi tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế, ông Thịnh nói: "Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn thuế. Với 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới mỗi ngày, nếu phải đóng thuế thì con số rất lớn. Như vậy là cơ chế, chính sách của chúng ta đang không phù hợp".
Vị chuyên gia nhấn mạnh, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách là việc cần làm ngay. Ngoài ra, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu. Kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ an sinh xã hội.
Bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá nhân, kinh doanh (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), tìm hiểu và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chia sẻ, cho thấy một số quốc gia đã yêu cầu sàn TMĐT, nền tảng số khai thuế và nộp thuế thay các nhà cung cấp.
Theo đó, nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối với các giao dịch qua sàn TMĐT hoặc nền tảng số thuộc về các sàn TMĐT hoặc các nền tảng số. Việc quy định như vậy giúp giảm gánh nặng tuân thủ đối với các nhà cung cấp, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý thuế.
Một số quốc gia áp dụng cơ chế này đối với người nộp thuế trong nước. Chẳng hạn, Bỉ và Uruguay áp dụng cơ chế thuế khấu trừ tại nguồn đối với nền kinh tế chia sẻ. Một số bang của Mỹ yêu cầu một số sàn TMĐT lớn trên thế giới có trách nhiệm thu hộ và nộp thuế thay cho người bán (bao gồm cả người bán trong nước và nước ngoài).
Thực tiễn thế giới cũng cho thấy một số quốc gia áp dụng cơ chế thu thập dữ liệu từ các sàn TMĐT, nền tảng số. Quy định này được các quốc gia quy định khá phổ biến.
Vào tháng 7.2020, OECD đã công bố các quy tắc mẫu được thiết kế để trở thành một phần của quy trình quốc tế nhằm thu thập và chia sẻ thông tin về các nhà cung cấp sử dụng nền tảng kỹ thuật số để bán dịch vụ.
Vào tháng 3.2021, Liên minh châu Âu đã áp đặt một nghĩa vụ mới đối với các nhà vận hành nền tảng số phải báo cáo thông tin thu nhập của người bán hàng trên các nền tảng của họ và để các quốc gia thành viên tự động trao đổi thông tin này.
Bà Lan Anh thông tin thêm, một số quốc gia đã yêu cầu trực tiếp các nhà vận hành nền tảng ở nước ngoài cung cấp dữ liệu về các doanh nghiệp trong nước sử dụng các nền tảng đó. Trung Quốc đã áp dụng quy định yêu cầu các sàn TMĐT khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin về thuế có liên quan của các giao dịch cho cơ quan thuế và lưu trữ các thông tin này tối thiểu 3 năm.
"Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Trong đó, chúng tôi đề xuất: trong quản lý đối với TMĐT, các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.
Xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.
Lúc đó, hàng hóa trên thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh", bà Lan Anh nói.
Ngoài quy định về hóa đơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá nhân, kinh doanh, cho biết Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung luật Thuế giá trị gia tăng. Trong tờ trình có đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhỏ lẻ.
Không chỉ Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đang chú ý đến việc này và cũng đề xuất như vậy. Dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng trình Chính phủ cũng có quy định này để hoàn thiện chính sách với hoạt động TMĐT.
Bình luận (0)