Sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là một trong những kênh tiếp cận và "ra đơn" chính của nhiều thương hiệu nhỏ cũng như những nhà bán hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người bán không thể trụ vững trên nền tảng và buộc phải rút lui, tìm hướng đi khác tối ưu hơn.
Theo báo cáo của công ty Metric (nền tảng số liệu E-commerce), trong năm 2023 đã có hơn 100.000 cửa hàng (shop) phải đóng cửa trên các sàn TMĐT. Bên cạnh lý do chính là hiệu quả kinh doanh không đảm bảo lợi nhuận, thậm chí "không ra đơn", gần đây một số nhà bán hàng quyết định rời bỏ nền tảng TMĐT vì các thay đổi trong chính sách của sàn, bị cho là "tạo nên kẽ hở mới" gây bất lợi cho người bán.
"Kẽ hở" mang tên "Trả hàng - Hoàn tiền"
Mới đây, một thương hiệu thời trang dành cho nữ đã đăng thông báo "tạm biệt các sàn TMĐT" với lý do những chính sách mới không còn phù hợp với định hướng của thương hiệu. "Vì một số kẽ hở trong chính sách của sàn, shop thường xuyên bị kẻ gian trục lợi, trả lại sản phẩm không còn nguyên vẹn thậm chí bị đánh tráo sản phẩm rẻ tiền", thông báo cho biết. Do vậy, đơn vị này khuyến khích khách hàng đến mua trực tiếp tại địa chỉ công ty, thông qua fanpage hoặc website chính thức.
Một thương hiệu khác chuyên phân phối sản phẩm đồ gia dụng thông minh và tiện ích phục vụ sinh hoạt cũng vừa thông báo dừng hoạt động trên tất cả các sàn TMĐT ở Việt Nam, chuyển về kinh doanh trực tiếp ở cửa hàng, qua website và trang Facebook chính thức. Lý do đưa ra cũng tương tự với thương hiệu thời trang nêu trên, nhưng đại diện đơn vị cho biết thêm hiện nay chi phí vận hành trên các sàn quá lớn cũng khiến doanh nghiệp đi đến quyết định "chia tay".
"Kẽ hở chính sách" mà doanh nghiệp nhắc tới chính là thay đổi trong quy định "trả hàng, hoàn tiền" của sàn. Theo đó, người mua có quyền yêu cầu trả lại hàng trong vòng từ 15 tới 30 ngày, với rất nhiều lý do khác nhau. Lợi dụng điều này, một bộ phận kẻ gian đã mua hàng sau đó cắt, bóc tem mác để sử dụng hoặc tráo, đổi sang món đồ khác rẻ tiền, hư hỏng... và hoàn trả lại cho nhà bán hàng trước hạn chót của sàn đưa ra.
Trên nhóm cộng đồng nhà bán hàng, nhiều người cho biết đã phải nhận về giẻ rách, đồ cũ... thay cho sản phẩm của mình. "Có người mua bộ váy về cắt tem, giặt, mặc làm rách rồi trả lại vì 'không còn nhu cầu sử dụng', có những sản phẩm đã bẩn lem luốc, có vết bẩn ở cổ áo không thể giặt sạch, hoàn về chỉ có vứt đi", một người bán bức xúc chia sẻ.
"Khách mua đồ rồi tráo mẫu khác giống hệt nhưng chất liệu khác, rẻ tiền hơn nhiều. Ảnh chụp và video không thể hiện được chất liệu nên việc kháng cáo bị sàn xử thua", người bán khác phân trần.
Dù các sàn TMĐT luôn khẳng định "xử lý công bằng" mọi trường hợp, thực tế cho thấy trong đa phần trường hợp bị xử thua thuộc về người bán. Có rất nhiều lý do khiến bên bán "thua kiện" trả hàng hoàn tiền như không có video đóng gói hàng, video không rõ nét, sản phẩm bị tố hàng giả/nhái, giao không đúng sản phẩm... Trong khi đó, người mua chỉ cần cung cấp hình chụp bất kỳ, video quay cảnh mở hộp qua loa vẫn có thể khiếu nại người bán.
Nhà bán hàng cần chủ động kênh kinh doanh
Trao đổi với Thanh Niên, anh Lê Hải Vũ - CEO Công ty Velasboost nhận định thị trường đang khó khăn chung, các sàn liên tục điều chỉnh chi phí, chính sách thời gian qua sẽ buộc nhà bán hàng phải thay đổi rất nhiều trong hoạt động kinh doanh để tồn tại và phát triển. Dẫn ví dụ từ chính hoạt động trên sàn TMĐT của doanh nghiệp mình, anh Vũ cho rằng tối ưu hóa bộ máy vận hành, quản trị là điều đầu tiên phải quan tâm nhằm gia tăng lợi nhuận, giảm chi phí hoạt động.
Bên cạnh đó, nhà bán nhỏ lẻ trên sàn TMĐT cũng nên đầu tư "chất xám" để nghiên cứu sản phẩm, thị trường, tạo ra mặt hàng có sức cạnh tranh, tránh sa đà vào các chiến dịch giảm giá.
Theo ông Lê Hoàng, CEO Công ty HyperWork, sàn TMĐT vẫn có nhiều "điểm yếu" đối với nhà bán như số lượng nhà bán lớn dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá, chi phí cao (phí hoa hồng, quảng cáo, phí sàn...) có thể ăn mòn lợi nhuận, khó xây dựng thương hiệu, người bán bị phụ thuộc chính sách của sàn, khó kiểm soát trải nghiệm khách hàng...
Do vậy, ông cho rằng người bán cần các phương án để giảm sự phụ thuộc vào sàn TMĐT, ví dụ tự quảng cáo và phát triển kênh bán đa dạng hơn, phân bổ ngân sách cho các nền tảng khác, không chỉ tập trung vào sàn, ví dụ qua mạng xã hội, kênh video, hội nhóm... với tập khách hàng phù hợp.
"Nên tự xây dựng website, vì đây là 'ngôi nhà' của doanh nghiệp trên internet, là nơi bạn giới thiệu tới khách hàng về bản thân, về sản phẩm, sự chỉn chu, định hướng ra sao. Website cũng giúp doanh nghiệp chủ động cung cấp tính năng, dịch vụ độc đáo, triển khai chiến lược tiếp thị cá nhân hóa như khuyến mãi, đề xuất sản phẩm dựa trên hành vi, kiểm soát được trải nghiệm khách hàng", ông Lê Hoàng nêu lý do.
Theo báo cáo của công ty phân tích và tư vấn tăng trưởng kênh TMĐT - YouNet ECI, quý 2/2024, 4 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam hiện nay gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa 87.370 tỉ đồng, tăng 10,4% so với quý trước. Nhưng số lượng nhà bán có doanh thu giảm 26.000 đơn vị cùng kỳ.
Bình luận (0)