(TNO) Một phụ nữ Thái Lan được cho là đã bị Triều Tiên bắt cóc cách đây 37 năm để dạy ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan cho các điệp viên Triều Tiên, theo chuyên san The Diplomat ngày 24.6.
Triều Tiên từng bắt cóc nhiều người nước ngoài - Ảnh minh họa: Reuters
|
Chuyên san The Diplomat (Nhật Bản) ngày 24.6 đăng tải câu chuyện tìm người thân của một gia đình tại Thái Lan suốt gần 4 thập niên qua. Theo lời kể của gia đình này, người phụ nữ mất tích tên là Anocha Panchoy, sinh năm 1955. Bà mất tích từ năm 1978 tại Macao khi đang hành nghề mát xa.
Sau đó, một binh sĩ Mỹ từng đào tẩu sang Triều Tiên tên là Charles Robert Jenkins tiết lộ rằng ông từng quen biết Anocha Panchoy khi còn sống tại Bình Nhưỡng. Charles Robert Jenkins là nhân vật từng được báo giới nhắc tới nhiều lần, người này bị Mỹ coi là binh sĩ đào tẩu khỏi quân đội và phạm tội. Jenkins sống ở Triều Tiên gần 40 năm và đã kết hôn với một người phụ nữ Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.
Quay trở lại với Anocha Panchoy, gia đình bà gần như vô vọng, không hề có thông tin gì kể từ khi bà mất tích. Mãi tới tháng 11.2005, họ xem một bản tin phát sóng trên truyền hình về Jenkins, trong đó có đề cập tới một phụ nữ Thái Lan bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc kèm theo một tấm hình. Lúc này, gia đình người Thái mới biết và khẳng định đó chính là bà Anocha Panchoy mất tích nhiều năm về trước.
Theo lời kể của ông Jenkins, bà Anocha bị bắt cóc hồi tháng 5.1978 và bị đưa sang Triều Tiên bằng thuyền. Khi sang Triều Tiên, bà phải dạy ngôn ngữ cũng như văn hóa Thái Lan cho các điệp viên Triều Tiên.
Sau đó không lâu, bà Anocha kết hôn với một binh sĩ Mỹ đào tẩu khác tên là Larry Allen Abshier, người này mất năm 1983. Đến năm 1989, bà tái hôn với một doanh nhân người Đức. Ông Jenkins cho biết bà Anocha muốn về Thái Lan để đoàn tụ với gia đình.
Tin tức về bà Anocha hầu như chỉ qua những lời kể của ông Jenkins. Nhưng với hi vọng tìm lại người thân, gia đình bà tại Thái Lan đã không ngừng nỗ lực, đặc biệt là người con của anh trai bà, tên là Banjong.
Banjong đã liên hệ cơ quan chức năng và các tổ chức, gặp gỡ các chính trị gia như quan chức Liên Hiệp Quốc, thậm chí cả cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Để tìm kiếm thông tin và yêu cầu Triều Tiên thả cô của mình, Banjong đã tới Nhật Bản 10 lần, tới Hàn Quốc 3 lần, tới Thụy Sĩ một lần và cuối năm nay ông dự định sẽ tới Mỹ để gặp các quan chức khác.
Cuối năm 2014, ông Banjong nhận được thông tin từ một tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc cho hay, cô của ông là bà Anocha vẫn còn sống tại ngoại ô Bình Nhưỡng với khoảng 20 người bị bắt cóc khác. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận.
Phía Triều Tiên luôn phủ nhận bắt cóc bà Anocha, tuy nhiên một số quan chức của Tổ chức giám sát nhân quyền tại châu Á cho rằng việc bà Anocha bị Triều Tiên bắt cóc là có thật, đồng thời mong một cuộc đoàn tụ dành cho bà và gia đình tại Thái Lan.
Hai vợ chồng người Nhật Bản từng bị Triều Tiên bắt cóc trở về nước năm 2002 - Ảnh: Reuters
|
Các trường hợp Triều Tiên bắt cóc người nước ngoài không phải chuyện hiếm gặp.
Theo báo The Japan Times (Nhật Bản), nhiều đời chính phủ Nhật Bản từng khẳng định công dân Nhật Bản biến mất bất thường từ thập niên 1970, nhưng Tokyo không có hành động cụ thể do thiếu bằng chứng. Manh mối bắt đầu lộ diện vào thập niên 1980 khi một số điệp viên Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tiết lộ rằng Bình Nhưỡng đứng sau các vụ bắt cóc người nước ngoài. Từ các thông tin trên, Nhật Bản xác định được có 17 người bị bắt, nhưng Triều Tiên sau đó chỉ thừa nhận 13 trường hợp.
Hầu hết các vụ bắt cóc xảy ra ở các tỉnh ven biển nằm giữa Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên, và các nạn nhân bị đưa đi bằng thuyền, theo The Japan Times.
Giới chức Nhật Bản và các chuyên gia cho rằng các vụ bắt cóc nhằm tìm người dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho các điệp viên của Triều Tiên. Suy đoán này được chính nhà lãnh đạo Kim Jong-il lúc còn sống xác nhận với Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Junichiro Koizumi trong cuộc hội đàm năm 2002, theo tờ The Guardian (Anh).
Hồi tháng 3.2015, tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) dẫn một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy khoảng 200.000 người nước ngoài bị Triều Tiên bắt cóc từ năm 1950. Theo Chosun Ilbo, trong những năm từ 1960-1980, hàng trăm người Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị bắt cóc về Triều Tiên. Nhiều người Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Romania cũng bị Triều Tiên bắt cóc kể từ sau năm 1990.
Bình luận (0)