Hôm 13.11, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ có cuộc tham vấn an ninh thường niên tại Seoul, trong đó thông qua việc chỉnh sửa chiến lược răn đe chung nhằm đối phó mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong tuyên bố vừa đưa ra, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho rằng việc chỉnh sửa chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc cho thấy động cơ xâm lược Bình Nhưỡng. "Các lực lượng vũ trang Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ và quản lý toàn bộ mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích quốc gia, nhờ có các năng lực phản ứng tấn công và áp đảo hơn, và thông qua các hành động răn đe quân sự có chiến lược và rõ ràng", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16.11 đăng tải, theo Yonhap.
Triều Tiên còn lên án Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản vì đồng ý khởi động hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa thời gian thực hồi tháng 12.2022, và việc Mỹ triển khai các khí tài chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.
Hôm 15.11, hai máy bay ném bom B-52H của Mỹ có cuộc tập trận chung cùng các chiến đấu cơ của Hàn Quốc tại Hoàng Hải. Trong năm nay, hai nước đã thực hiện 7 cuộc tập trận với các máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Nếu tính luôn các cuộc tập trận có máy bay ném bom B-1B, loại không còn mang bom hạt nhân, thì con số là 12 cuộc tập trận.
"Tàu ngầm tấn công hạt nhân" mới của Triều Tiên có gì đáng chú ý?
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa phê chuẩn thỏa thuận bán tên lửa không đối không Sidewinder và trang thiết bị liên quan cho Hàn Quốc với mức giá ước tính 52,1 triệu USD, theo thông báo ngày 15.11 của Lầu Năm Góc. Trước đó một ngày, Mỹ cũng bật đèn xanh cho thỏa thuận bán tên lửa đánh chặn SM-6 cho Hàn Quốc với giá trị ước tính 650 triệu USD.
Bình luận (0)