Yonhap dẫn nguồn từ RFA lấy tin của một cư dân Triều Tiên ở tỉnh Kangwon nói rằng các kỹ sư của Triều Tiên tham gia công việc trên các hệ thống tên lửa di động kể từ tháng 5.2016 tại một nhà máy xe cơ giới của nhà nước.
Nhà máy đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Kinh tế lần thứ hai của Triều Tiên phụ trách ngành công nghiệp đạn dược của nước này. Nguồn tin từ miền Bắc không được xác định được danh tính nói rằng Bình Nhưỡng mỗi tháng làm được khoảng sáu xe bệ phóng.
Một nguồn khác ở tỉnh Hamgyong Bắc cũng cho biết ông nghe nói chính phủ đang sản xuất bệ phóng tên lửa tầm xa có thể di chuyển trên đường sắt. Nguồn tin cũng nói rằng Ủy ban Kinh tế lần thứ hai đang giám sát việc sản xuất các bệ phóng theo chỉ đạo của lãnh đạo Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhấn mạnh trong một phát biểu hồi tháng 3.2016 rằng Bình Nhưỡng cần phải đa dạng hóa các khả năng tấn công hạt nhân để có thể tiêu diệt được kẻ thù. Bình Nhưỡng xem Mỹ và Hàn Quốc là những kẻ thù số một hiện nay.
"Triều Tiên không có cách nào khác ngoài việc phải tự sản xuất bệ phóng bởi vì Trung Quốc đã ngưng xuất khẩu các loại xe quy mô lớn có khả năng chuyên chở các bệ phóng tên lửa di động cho Bình Nhưỡng", nguồn tin cho biết. Trung Quốc tham gia lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc từ tháng 3.2016, ngưng giao thương với Triều Tiên ở hầu hết các lĩnh vực mà 2 bên có thể trao đổi với nhau.
Nhiều nguồn tin khác từ miền Bắc nói rằng họ nghi ngờ vào khả năng của bệ phóng tên lửa di động trên đường ray vì hệ thống đường sắt của nước này quá lạc hậu và xuống cấp, không đáp ứng được tầm của một tên lửa hiện đại.
Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới phát triển hệ thống phóng tên lửa từ các đoàn tàu lửa. Hồi năm 2015, các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống tên lửa đặt trên các đoàn tàu lửa để phóng tên lửa tầm xa Đông Phong (DF-41) có khả năng bắn tới các mục tiêu ở khắp nước Mỹ.
Bình luận (0)