Ngoài ra, hội đồng cũng biểu quyết về việc bãi bỏ luật điều chỉnh quan hệ kinh tế với Seoul, bao gồm luật đặc biệt về vận hành dự án du lịch Núi Kumgang. SPA là cơ quan quyền lực cao nhất theo hiến pháp của Triều Tiên. Ông Choe Ryong-hae, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ SPA, chủ trì cuộc họp tuần này.
Các chuyến tham quan đến Núi Kumgang ở biên giới liên Triều từ lâu là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa 2 bên. Dự án bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc đi lạc vào khu vực cấm bị lính Triều Tiên bắn chết.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 7.2, trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul liên tục chuyển biến xấu, và sau khi Triều Tiên tuyên bố "không có ích gì" trong nỗ lực thống nhất với Hàn Quốc.
Trong cuộc họp đảng cuối năm 2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xác định mối quan hệ liên Triều là mối quan hệ giữa "2 quốc gia thù địch với nhau". Đến tháng 1, Triều Tiên quyết định giải tán các cơ quan xử lý vấn đề liên Triều, trong đó có cơ quan phụ trách hợp tác kinh tế.
Triều Tiên năm ngoái cũng hủy bỏ hiệp ước quân sự được ký vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang gần biên giới quân sự, vốn được ký kết theo thỏa thuận ngừng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Triều Tiên sẽ xem Hàn Quốc là "quốc gia thù địch số 1"?
Trong bài phỏng vấn được đài truyền hình nhà nước KBS phát sóng vào cuối ngày 7.2, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi sự thay đổi trong chính sách liên Triều của Triều Tiên là "một sự thay đổi lạ thường". Ông cho biết "thật khó" để hiểu được suy nghĩ đằng sau động thái này.
Ông Yoon, người có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, cho biết ông vẫn sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên, thậm chí bằng cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim và cung cấp viện trợ nếu điều đó giúp ích cho nền kinh tế của nước này.
KCNA đưa tin riêng rằng ông Kim hôm 7.2 đã đi thăm các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm quốc gia, đồng thời đưa ra hướng dẫn về việc hiện đại hóa cơ sở vật chất như một phần của việc thực hiện chính sách phát triển khu vực mới.
Bình luận