Triều Tiên phản đối Mỹ gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
21/10/2023 09:58 GMT+7

CHDCND Triều Tiên hôm nay 21.10 đã có phản ứng mạnh về việc Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS.

"Mỹ cuối cùng đã chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối đất ATACMS cho Ukraine bất chấp quan ngại sâu sắc và sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế", Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong-chol nhấn mạnh trong một tuyên bố được Hãng thông tấn KCNA đăng tải, theo Reuters.

Ông Sin còn cảnh báo: "Bất kỳ cuộc tấn công vào bên trong nước Nga, một cường quốc hạt nhân, sẽ không giúp ích gì cho việc sớm kết thúc tình hình Ukraine hoặc giải quyết hòa bình như Mỹ ủng hộ mà sẽ đóng vai trò là chất xúc tác đẩy toàn bộ châu Âu vào tình trạng chiến tranh kéo dài bất tận".

Triều Tiên phản đối Mỹ gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine

Hôm 17.10, Ukraine cho hay đã sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp lần đầu tiên, gây thiệt hại nặng nề cho hai sân bay ở khu vực miền đông Ukraine do Nga kiểm soát. Một số phiên bản của ATACMS có thể mang đạn chùm. Hệ thống này cung cấp "khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao với độ chính xác cao cách xa tới 300 km", theo một trang web của Lục quân Mỹ.

Triều Tiên phản ứng mạnh việc Mỹ gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sử dụng ATACMS và tên lửa Hyunmoo II của Hàn Quốc, phóng tên lửa vào vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc ngày 5.7.2017

Reuters

Trước đó, Nhà Trắng ngày 13.10 cáo buộc Bình Nhưỡng gần đây đã cung cấp cho Nga một lô hàng vũ khí, gọi đây là một diễn biến đáng lo ngại và làm dấy lên quan ngại về mối quan hệ quân sự mở rộng giữa Nga và Triều Tiên.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17.10 nói rằng các cáo buộc của phương Tây không dựa trên bằng chứng, và nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ với Triều Tiên, theo Reuters.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản hỗ trợ 61,4 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có 44,4 tỉ USD viện trợ quốc phòng, theo trang The Kyiv Independent hôm nay dẫn thông báo từ Nhà Trắng.

Yêu cầu này đã được gửi tới quyền Chủ tịch Hạ viện Mỹ Patrick McHenry. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động lập pháp tại Hạ viện Mỹ, bao gồm cả việc thông qua các gói viện trợ mới cho Ukraine, đã bị đình trệ sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị bãi nhiệm vào ngày 3.10.

Cố vấn Tổng thống Ukraine nói viện trợ chậm trễ làm kéo dài cuộc xung đột

Trong bài phát biểu ngày 19.10, Tổng thống Biden thông báo yêu cầu tài trợ "khẩn cấp" cho cho Ukraine và đồng minh lâu đời của Mỹ là Israel, đang có cuộc xung đột với lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Biden đưa ra quan điểm rằng hỗ trợ Ukraine là một "đầu tư thông minh", nhấn mạnh việc duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine là rất quan trọng đối với an ninh của Mỹ và sự ổn định toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.