Trình Chính phủ mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Mai Hà
Mai Hà
14/08/2023 18:30 GMT+7

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về tình hình đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM, nhưng lưu lượng lớn, trong khi quy mô đường cao tốc chỉ 4 làn xe. 

Trình Chính phủ mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

T.N

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng khẩn cấp cách quãng nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày.

Theo thống kê, từ khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương thu phí, lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35%, hiện đạt khoảng 52.000 ô tô lưu thông/ngày đêm. Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, lưu lượng xe trung bình từ năm 2022 khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 40.000 xe ô tô/ngày đêm.

Bộ GTVT đã họp với các địa phương có tuyến cao tốc chạy qua gồm TP.HCM, Long An, Tiền Giang để tìm giải pháp đầu tư mở rộng cao tốc. Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã đề xuất mở rộng đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong trường hợp đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với đoạn TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 7 lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án. Theo đó, sẽ mở rộng lên 8 làn xe cao tốc, bố trí đầy đủ làn dừng khẩn cấp, chiều dài tuyến 39,8 km, từ nút giao Chợ Đệm đến nút giao Thân Cửu Nghĩa. 

Với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, theo Bộ GTVT, do giai đoạn 1 nguồn lực hạn chế nên chỉ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng nên làm giảm tốc độ lưu thông và nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do tuyến đường đang khai thác, thu phí hoàn vốn BOT nên việc triển khai theo quy mô quy hoạch 6 làn xe phải nghiên cứu quyền lợi nhà đầu tư BOT trước đó. 

Đáng chú ý, hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận như liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt, Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty xây dựng Cảng Trung Quốc.

Theo Bộ GTVT, việc sớm đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP là cần thiết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, lại tập trung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Bộ GTVT muốn đẩy nhanh tiến độ trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc – Nam

Vì vậy, Bộ GTVT tải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm sớm triển khai đồng bộ toàn tuyến, phát huy hiệu quả đầu tư.

Bộ GTVT cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản để tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện dự án theo phương thức PPP hoặc đầu tư công; giao bộ chủ trì triển khai làm việc thống nhất với các địa phương để nghiên cứu đoạn tuyến này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 39,8 km và khoảng 22,1 km tuyến nối, đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng quy mô 8 làn xe. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoàn thành vào tháng 2.2010.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có chiều dài 51,1 km và khoảng 4,5 km tuyến nối. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe và được đưa vào khai thác từ tháng 4.2022, chính thức thu phí từ 9.8.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.