Tác quyền có thể đến vài trăm triệu mỗi chương trình
Chia sẻ trong họp báo chương trình "Hà Nội - Mùa chuyển Đêm nhạc Phú Quang & Đỗ Bảo" diễn ra vào 21 - 22.4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nghệ sĩ piano Trinh Hương cho biết cô được giao trọng trách quản lý di sản âm nhạc mà bố mình - nhạc sĩ Phú Quang để lại các con ruột của ông. Gia đình cô luôn cho rằng việc bài hát của bố được sử dụng là một niềm vinh hạnh của các con.
Nữ nghệ sĩ cũng cho biết, gia đình không hề có "hàng rào kỹ thuật" như yêu cầu chương trình phải đạt chuẩn âm thanh ánh sáng gì mới cho phép hát nhạc Phú Quang.
"Tuy nhiên, tôi luôn mong khi mọi người sử dụng tác phẩm thì sử dụng với sự trân trọng. Trân trọng ở đây không phải là nằm ở trong một chương trình sang trọng, nghệ sĩ lớn mà có thể là trong không gian nhỏ của phòng trà. Trân trọng ở đây là khi muốn biểu diễn thì cho các con nhạc sĩ được biết có người muốn hát nhạc của ông trong không gian thế này, chứ không sử dụng tùy tiện", Trinh Hương nói.
Cũng theo nghệ sĩ Trinh Hương: "Bản quyền cũng chưa bao giờ đặt bằng tiền, mà bằng sự tôn trọng. Trong chương trình từ thiện thì gia đình không bao giờ lấy tiền. Tuy nhiên, trong show tiền tỉ thì quyền tác giả cũng tương đồng, chứ không phải là trả tác quyền theo giá bao cấp, như thế là không tôn trọng tác phẩm".
Chính vì thế, nếu một chương trình sản xuất hàng tỉ đồng, trả cho người làm âm thanh ánh sáng vài trăm triệu đồng thì việc trả tác quyền tương xứng cho nhạc sĩ là điều hợp lẽ.
Với Hà Nội - Mùa chuyển Đêm nhạc Phú Quang & Đỗ Bảo, nữ nghệ sĩ cho biết mình mong chờ sự mới mẻ mà nhạc sĩ Đỗ Bảo mang lại. Cô cũng cho biết, sau mấy chương trình làm cho nhạc sĩ Phú Quang, cô cũng cảm nhận được khán giả khá bảo thủ, khá giống bố.
"Bố tôi đương nhiên ít khi muốn ai khác động đến đứa con tinh thần mà ông đã định hình từ bản nhạc đến khi âm thanh vang lên. Cho nên, khi ông còn sống có thể người này người kia phối nhạc của ông, nhưng ông luôn yêu cầu giữ nguyên hòa thanh gốc. Anh có thể phối dày thêm nhạc cụ nhưng cái khung phải đúng như thế, kiểu ngôi nhà có thể thêm đồ trang trí nhưng nhất định không được phá cấu trúc. Nó cũng sẽ khó cho các nhạc sĩ phối khí khi muốn thể nghiệm với tác phẩm của ông", Trinh Hương chia sẻ.
Mỹ cảm Hà Nội
Mỹ cảm Hà Nội là cảm hứng chạy xuyên suốt Hà Nội - Mùa chuyển Đêm nhạc Phú Quang & Đỗ Bảo. Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám đốc mỹ thuật của chương trình, cho biết ông sẽ giữ nguyên phong cách tối giản của mình, nói không với việc lạm dụng kỹ xảo công nghệ.
"Sân khấu sẽ được trang trí bằng một sắp đặt có tính trừu tượng về sự nhấp nhô của những ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội, gợi thôi chứ không có cổng, cửa, đầu hồi. Tôi sử dụng thủ pháp điêu khắc bằng ánh sáng để tạo chiều sâu cho sân khấu.
Ở tiền sảnh Nhà hát Lớn, tôi sẽ làm cổng Hà Nội mùa chuyển. Tên 20 bài hát trong chương trình sẽ được trổ lên mái và hai bên cổng, khi dùng đèn chiếu từ trên xuống sẽ in lên người nào qua cổng", ông Cương nói.
Nhạc sĩ Phú Quang và Đỗ Bảo có chung một điểm là cùng sáng tác ca khúc và khí nhạc. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: "Không có tác phẩm khí nhạc nào cả, tất cả chỉ là ca khúc thôi. Nhưng mà ranh giới giữa khí nhạc và ca khúc ở âm nhạc Phú Quang và Đỗ Bảo thì không quá rõ rệt. Cụ thể là trong ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang hay là Đỗ Bảo thì ngay cái phối khí cũng đã mang tính dàn nhạc, tính khí nhạc", nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
"Đặc biệt có sự trùng hợp là cả hai chú cháu đều yêu thích biên chế dàn nhạc bán cổ điển. Có lẽ tôi và chú đều đi lên từ môi trường âm nhạc Hà Nội, có cảm giác với âm nhạc khá là gần gũi với Hà Nội. Do đó, tính tầng lớp, lô nhô ở các tầng âm nhạc khá là nhiều trong một bản phối khí. Ví dụ như có piano, có một lớp dàn dây, phức điệu của bè trầm bè cao, thì tính khí nhạc đã rất đậm trong ca khúc rồi. Trong chương trình, các ca khúc được diễn đạt dung dị nhưng tôi hướng tới sự tinh tế", nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
Mỹ cảm Hà Nội này sẽ được chuyển tải qua giọng hát của những nghệ sĩ đã thành công trong việc hát nhạc Phú Quang, Đỗ Bảo trong nhiều năm qua. Đó là 4 giọng ca: Thanh Lam, Hà Trần, Tấn Minh và Ngọc Anh.
Bình luận (0)