Diễn viên Trà My khiến dân mạng ''dậy sóng'' với hàng loạt phát ngôn gây sốc khi "cảm ơn Covid-19 khiến dân số thế giới chết bớt", dè bỉu nghệ sĩ làm từ thiện… Ngoài ra, cô còn thẳng thừng gọi Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh là “trọc phú”, lên tiếng chửi công chúng ngu si. Gần đây, diễn viên phim Thương nhớ ở ai tiếp tục dành lời lẽ khiếm nhã khi nói về NSƯT Trịnh Kim Chi. Trà My thẳng thắn dè bỉu Trịnh Kim Chi là “bà cô già hết đát”, nghệ sĩ “quá lứa” nên cố tình đánh bóng tên tuổi bằng cách bày tỏ sự thương tiếc với một diễn viên quá cố.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng hành vi này có thể xem xét xử lý theo pháp luật. Cụ thể, luật sư Ngọc Nữ phân tích: “Nếu Trịnh Kim Chi có đủ chứng cứ chứng minh việc diễn viên Trà My phát ngôn đả kích, bôi nhọ danh dự và uy tín của mình; cùng với việc bà Trịnh Kim Chi có đơn yêu cầu/tố giác gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự”.
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho biết: "Người sử dụng mạng xã hội để đả kích, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác thì tùy theo mức độ, hành vi, hậu quả xảy ra có thể bị xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị buộc xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người bị xúc phạm".
|
Theo luật sư Vũ Quang Đức, khi gặp sự việc như trên thì người bị xúc phạm nên làm những việc sau: Yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng để làm chứng cứ. Tùy theo mức độ hành vi, hậu quả xảy ra có thể tùy chọn: Tố giác tội phạm với cơ quan công an cấp quận, huyện nơi người thực hiện hành vi vi phạm yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định tại Bộ luật Hình sự về tội vu khống, tội làm nhục người khác. Yêu cầu cơ quan công an cấp xã, cấp huyện nơi người thực hiện hành vi vi phạm xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi người thực hiện hành vi vi phạm cư trú hoặc nơi người bị xúc phạm cư trú yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự tại các Điều 584, Điều 592. Ngoài ra, hành vi viện dẫn còn vi phạm luật An ninh mạng, Điều 16, khoản 3.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng nêu rõ những quy định xử phạt cụ thể đối với trường hợp phát ngôn đả kích, bôi nhọ, xúc phạm danh dự và uy tín người khác như sau:
- Bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Người bị xúc phạm cũng có thể đề nghị, thông báo cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện, nơi người thực hiện hành vi xem xét xử lý hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống. Trong đó:
Điều 155. Tội làm nhục người khác có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Điều 156. Tội vu khống có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.
- Người bị xúc phạm có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm do hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm gây ra cho mình.
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 3, Điều 16, luật An ninh mạng 2018 quy định: thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
- Thông tin bịa đặt, sai sự thật:
+ Xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm.
+ Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
|
Bình luận (0)