Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phân công Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup - Công ty CP để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Hà Nội cũng giao Sở KH-ĐT xem xét tờ trình của Sở GTVT về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (nghiên cứu theo hướng hợp đồng EPC).
Sở KH-ĐT có trách nhiệm tham mưu, đề xuất báo cáo UBND TP.Hà Nội trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1.2025; tham mưu, đề xuất phương án bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư.
Mới đây, chia sẻ với cử tri tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông với kế hoạch xây dựng tổng cộng 18 cây cầu vượt sông Hồng. Hiện tại, đã có 8 cây cầu được đầu tư xây dựng. Ngoài cầu Long Biên, thành phố dự kiến sẽ xây dựng thêm 9 cầu mới.
Theo ông Thanh, TP.Hà Nội sẽ cố gắng khởi công cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi trong nửa đầu năm 2025. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.Hà Nội, nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt.
Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là gần 20.000 tỉ đồng. Cầu Tứ Liên nối liền bờ phía tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc các phường Yên Phụ, Tứ Liên (Q.Tây Hồ) với bờ đông sông Hồng thuộc H.Đông Anh.
Theo phương án thiết kế được TP.Hà Nội phê duyệt, Tứ Liên là cây cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của thủ đô. Cầu có chiều dài 2,9 km, trong đó cầu chính dài 1 km, có 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án cầu Tứ Liên sẽ được xây dựng trong thời gian khoảng hơn 2 năm.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận việc xây dựng thêm những cây cầu qua sông Hồng giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới.
Bình luận (0)