Trình Quốc hội các nội dung sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Mai Hà
Mai Hà
08/01/2025 06:58 GMT+7

Ngày 7.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan việc thực hiện sắp xếp bộ máy.

Cho ý kiến về dự án luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phân cấp, ủy quyền. Theo đó, quyền hành pháp chính trị thì có thể ủy quyền nhưng không phân cấp; còn hành chính công vụ thì phải phân cấp, ủy quyền mạnh. Việc phân cấp, ủy quyền phải trình Quốc hội đồng ý, đưa vào luật và đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể. Quyền hạn đi đôi với trách nhiệm; ai được giao phân cấp, phân quyền, ủy quyền thì phải quyết định, khi quyết định thì phải chịu trách nhiệm.

Liên quan luật Tổ chức chính quyền địa phương, sẽ sửa đổi theo hướng Quốc hội không quyết những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ không quyết những việc thuộc thẩm quyền của bộ, địa phương. Cùng với đó, làm rõ mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo; chính quyền địa phương ban hành chính sách theo thẩm quyền...

Trình Quốc hội các nội dung sắp xếp, tinh gọn bộ máy- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

ẢNH: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu các bộ khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9 (tháng 2.2025). Đây là nhiệm vụ rất nặng nề do thời gian rất ngắn, vì thế cần ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất bảo đảm chất lượng, tiến độ. Luật quy định khung, mang tính nguyên tắc, còn các vấn đề cụ thể trong thực tiễn, nhiều khi diễn ra nhanh hơn quy định của luật thì giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để phù hợp với tình hình.

Thủ tướng cũng lưu ý rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin - cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, luật pháp, xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, kiểm soát đầu ra, tránh ôm đồm quá nhiều việc cụ thể; khi phân công thì chú ý 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm.

Việc diễn đạt các nội dung của các dự án luật, nghị quyết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.